Tăng cường chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022. Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh tăng thu, mở rộng cơ sở thu, tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết...
Nghị quyết nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ hiệu quả của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác được điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Công tác điều hành giá được chú trọng, giá xăng dầu và nhiều mặt hàng khác có xu hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 08 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018 - 2021.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá duy trì hợp lý; kiểm soát tốt nợ công. Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 85% dự toán năm, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng ước đạt 497,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ, xuất siêu 3,96 tỷ USD.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4%. Nông nghiệp phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng 50,2%, tính chung 8 tháng tăng 19,3% so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục phục hồi tích cực.
Trong 8 tháng có gần 150 nghìn doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, tăng 31,1% so với cùng kỳ, gấp 1,43 lần doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục khởi sắc; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 8 tháng ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam: Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,5%, lạm phát khoảng 4% trong năm 2022; Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lên 7%; Moody's nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng "ổn định". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới từ thứ 14 (tháng 5/2022)...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương vừa làm tốt các nhiệm vụ thường xuyên, vừa xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài; đã hoàn thành 19/60 nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022, còn 41/60 nhiệm vụ đang được tiếp tục thực hiện (trong đó có 08 nhiệm vụ quá hạn).
Trước dự báo nền kinh tế nước ta còn những khó khăn, hạn chế và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực lạm phát còn cao, tiềm ẩn rủi ro ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục quán triệt phương châm điều hành "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không" đã được Chính phủ thống nhất tại Phiên họp thường kỳ tháng 7/2022; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022; trong đó, tập trung vào những nội dung sau:
Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 755/CĐ-TTg ngày 25/8/2022, nhất là đẩy mạnh tiêm vắc xin. Khẩn trương khắc phục có hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số cơ sở khám chữa bệnh...
Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp.
Chủ động rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách sớm đưa Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào thực tiễn, phát huy hiệu quả.
Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, trong nước, nhất là tình hình lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược để phân tích, dự báo, kịp thời có giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh. Các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả để kịp thời có giải pháp ổn định thị trường, bình ổn giá cả.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý trong tháng 9/2022. Giao Văn phòng Chính phủ xây dựng, trình Chính phủ trước ngày 30/9/2022 để ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh tăng thu, mở rộng cơ sở thu, tăng cường chống thất thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Đồng thời giao Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền các đề án về Ngân hàng Phát triển Việt Nam, về đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước, bảo đảm tiến độ, chất lượng; trình Chính phủ Nghị định về thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế.
Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Khẩn trương triển khai các kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với các ngân hàng thương mại yếu kém...