Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra lĩnh vực quản lý nợ công

Minh Hà

Đó là chủ đề của Hội nghị do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức tại TP. Sầm Sơn – Thanh Hóa, sáng 24/6/2016.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Văn Trường
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Văn Trường


Mục đích của Hội nghị là nhằm thống nhất giữa Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại và Thanh tra Bộ về các nội dung cần hợp tác, quy trình thực hiện và thống nhất cách thức phối hợp giữa hai đơn vị, để thực hiện thanh tra các dự án vay lại hoặc được Chính phủ bảo lãnh có vấn đề trong trường hợp cần thiết.

Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Thanh tra Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Cục Kế hoạch Tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý công sản, Vụ Pháp chế, Vụ Hành chính sự nghiệp, Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Vụ Đầu tư, Văn phòng Bộ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, việc giám sát kiểm tra, giám sát các đối tượng sử dụng nợ công đúng mục đích, có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ của Bộ Tài chính.

“Trong thời gian qua, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện theo dõi, kiểm tra, giám sát các đối tượng sử dụng nợ công từ khâu đầu đến khâu cuối, cụ thể là kiểm soát chi, rút vốn, hạch toán vốn vay theo hình thức cấp phát ngân sách nhà nước hoặc cho vay lại vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, thế chấp tài sản, tình hình triển khai dự án và trả nợ”, ông Long nói.

Thông tin tại Hội nghị về tình hình nợ công, ông Long cho biết, trong 10 năm (2000-2010), giá trị huy động từ các nguồn nước vào khoảng 35 tỷ USD, trong khi đó giai đoạn 2011-2015 con số này là 28 tỷ USD, với 1.104 hiệp định vay nước ngoài.

Việc theo dõi kiểm tra, giám sát được Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ thực hiện định kỳ hoặc đột xuất trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua cơ quan cho vay lại đối với các doanh nghiệp và dự án có vấn đề về tài chính hoặc một số doanh nghiệp có tổng giá trị vay vốn lớn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã có nhiều dự án phát sinh các vấn đề tài chính dự án hoặc gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến không thể trả nợ vay hoặc vay được Chính phủ bảo lãnh, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn nợ vay lại, nợ vay Quỹ Tích lũy hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng vốn để trả nợ nước ngoài (đối với các dự án vay lại và vay được Chính phủ bảo lãnh)…

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được nghe đại diện các đơn vị trình bày các báo cáo tham luận với nội dung liên quan các vấn đề nợ công, sử dụng và giám sát sử dụng nợ công, đề xuất phối hợp giám sát; Nội dung, đối tượng thanh tra trong các dự án sử dụng nợ công; Giám sát các dự án ODA sử dụng vốn vay lại của Chính phủ; Giám sát các doanh nghiệp sử dụng nợ công…

Đặc biệt, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tham gia thảo luận sôi nổi và trách nhiệm với những ý kiến đóng góp xác đáng, có tinh thần xây dựng, gợi mở nhiều giải pháp triển khai trong thời gian tới trong công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực nợ công. Hội nghị là sự khởi đầu, đổi mới trong hoạt động phối hợp giám sát tài chính, hướng tới sự gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị của Bộ Tài chính trong lĩnh vực nợ công nói riêng và trong các lĩnh vực khác của ngành tài chính nói chung.

Tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại và Thanh tra Bộ Tài chính về việc phối hợp giữa hai đơn vị trong công tác kiểm tra, thanh tra lĩnh vực quản lý nợ công.

Sự kiện này cũng đánh dấu thêm một bước tiến của Bộ Tài chính trong việc nâng cao hiệu quản lý nợ công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/02/2015 bên cạnh rất nhiều hoạt động khác đã được triển khai trong thời gian qua./.