Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật liệu xây dựng sản xuất, nhập khẩu


Ngày 21/3/2020, UBND tỉnh Thừa - Thiên Huế vừa chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đầu tư phát triển vật liệu xây dựng và quản lý chất lượng vật liệu xây dựng sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên địa bàn

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu tổ chức kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu tổ chức kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Nghị định số 95/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng có hiệu lực từ 10/2/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa - Thiên Huế vừa có Văn bản số 2258/UBND-XD yêu cầu thực hiện nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý đầu tư phát triển vật liệu xây dựng và quản lý chất lượng vật liệu xây dựng sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa - Thiên Huế giao các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Tài chính, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Thuế, Cục Quản lý thị trường Thừa Thiên Huế, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp, UBND các huyện, các thị xã và thành phố Huế cần thực hiện nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các công tác này. Cụ thể:

Thứ nhất, về công tác quản lý hoạt động đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng

Đối với các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu như: Xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vôi, vật liệu chịu lửa, trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư cần xem xét kỹ về năng lực của chủ đầu tư. Cân đối cung cầu chủng loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn và khu vực. Tuy nhiên, trước khi thực hiện điều này các bên có liên quan cần lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng và thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Đối với các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng thông thường như: Gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung, đá, cát xây dựng... cần tuân thủ theo nội dung được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Đối với các dự án đầu tư mới, đầu tư cải tạo cần lựa chọn công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại; tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng thấp, góp phần tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đối với các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng cần sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của từng dự án.

Thứ hai, về công tác quản lý chất lượng hàng hóa vật liệu xây dựng

Các đơn vị cần hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm Thông tư số 19/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng để thay thế Thông tư số 10/2017/TT-BXD ngày 29/9/2017 của Bộ Xây dựng về việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với hàng hóa là vật liệu xây dựng có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020.

Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, chiến lược phát triển vật liệu xây dựng; kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hàng hóa vật liệu xây dựng lưu thông, sử dụng trên thị trường.