Tăng cường công tác quản lý giá sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018

PV.

Bộ Tài chính vừa đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Được biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân hai tháng đầu năm 2018 đã tăng 2,9%.

Bộ Tài chính đề nghị thực hiện quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết .
Bộ Tài chính đề nghị thực hiện quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết .

Ngày 01/3, Bộ Tài chính đã có Công văn 2323/BTC-QLG gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường công tác quản lý giá sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Theo đó, để thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2018 khoảng 4,0%, Bộ Tài chính đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra tại Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc nhiệm vụ sau Tết, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 66/TB-VPCP ngày 23/01/2018 của Bộ Tài chính và các văn bản có liên quan ngay trong những tháng tiếp theo.

Cụ thể, Công văn 2323/BTC-QLG đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng chỉ đạo Sở Tài chính và các sở, ban ngành chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân nhất là trong thời gian các tháng tiếp theo (đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm...) để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Đồng thời, trong quý I/2018 không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý (dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, giáo dục, dịch vụ vệ sinh môi trường, trông giữ xe, tham quan du lịch, lưu trú buồng phòng, thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ, trung tâm thương mại...). 

Việc điều hành giá các mặt hàng thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân đân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị bám sát các chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và các Bộ, ngành chức năng.  

Bộ Tài chính cũng đề nghị tăng cường quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá; thực hiện quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết (nhất là dịch vụ vận tải, ăn uống, tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô). Tăng cường kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý, điều hành, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.