Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Trong nhiều năm qua, quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá được quan tâm chú trọng, tạo ra những bước phát triển đáp ứng thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý của Nhà nước. Môi trường pháp lý cho hoạt động thẩm định giá được Nhà nước quan tâm xây dựng và ngày càng hoàn thiện, thể hiện rõ nhất là Quốc hội nâng tầm quản lý giá từ Pháp lệnh giá lên Luật Giá. Bài viết trao đổi về thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này thời gian tới.
Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ
Thẩm định giá là một hoạt động tồn tại khách quan trong đời sống kinh tế - xã hội của các nước phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Ngay từ những năm 1940, thẩm định giá được thừa nhận là một nghề có vai trò quan trọng trong việc đánh giá hay đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường. Đặc biệt, trong những năm sau 1970, khi thị trường tài chính quốc tế xuất hiện và việc toàn cầu hóa thị trường, đầu tư phát triển nhanh chóng, người ta càng nhận thấy tầm quan trọng của thẩm định giá phục vụ cho hoạt động của thị trường này. Do vậy, các nước trên thế giới đã rất quan tâm đến việc hoàn thiện, phát triển hoạt động thẩm định giá, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Ở Việt Nam, dịch vụ thẩm định giá có vai trò đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế đã chuyển một cách cơ bản từ cơ chế giá hành chính sang cơ chế giá thị trường. Cụ thể, qua thẩm định giá góp phần tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước trong đầu tư, mua sắm tài sản; chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản, của các nhà đầu tư và của các bên có liên quan tham gia giao dịch.
Nghề thẩm định giá mới xuất hiện từ những năm 1993-1994 còn khá non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong giai đoạn đầu, cả nước chỉ có 02 Trung tâm Thẩm định giá ở Trung ương thuộc Ban Vật giá Chính phủ trước đây được thành lập, với số lượng nhân viên gần 300 người, tuy nhiên không ai trong số các nhân viên là thẩm định viên về giá.
Khi Pháp lệnh Giá được ban hành và có hiệu lực năm 2002, hoạt động thẩm định giá bắt đầu được thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh này. Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá và sau đó là việc ban hành các thông tư và quyết định của Bộ Tài chính liên quan đến hoạt động thẩm định giá có thể coi là một bước đánh dấu quan trọng cho sự phát triển của nghề thẩm định giá ở Việt Nam.
Đến nay, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá ngày càng chặt chẽ, chuyên nghiệp, thông qua việc hệ thống khung khổ pháp lý về hoạt động ngày cànǵ hoàn thiện và tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Trong nhiều năm qua, môi trường pháp lý cho hoạt động thẩm định giá được Nhà nước quan tâm xây dựng và ngày càng hoàn thiện, thể hiện rõ nhất là Quốc hội nâng tầm quản lý giá từ Pháp lệnh giá lên Luật Giá. Cùng với đó, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật, hướng dẫn các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam…
Hiện nay, hoạt động thẩm định giá có nhiều bước tiến, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng thẩm định viên và số lượng các tổ chức tham gia thị trường thẩm định giá. Theo thống kê của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), đến nay, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) thẩm định giá đang hoạt động, với khoảng 1.400 thẩm định viên về giá đang hành nghề. Qua kết quả kiểm tra, giám sát của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, tuy còn có những hạn chế nhất định, nhưng chưa có DN vi phạm pháp luật về thẩm định giá và nhiều DN thẩm định giá được Bộ Tài chính đánh giá, xếp hạng cao.
Bộ Tài chính theo dõi, công bố kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của các DN thẩm định giá. Ngày 28/12/2018, Bộ Tài chính thông báo kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá lần đầu (năm 2017) của 142 DN thẩm định giá đủ điều kiện đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá lần đầu. Kết quả cho thấy, có 68 DN đạt số điểm từ trên 80 trở lên; 66 DN đạt số điểm từ 70 điểm đến dưới 80 điểm; 08 DN đạt số điểm từ 60 điểm đến dưới 70 điểm.
Việc đánh giá chất lượng các DN là tiêu chí phân loại DN thẩm định giá trong quá trình hoạt động. Kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá không cung cấp cho DN thẩm định giá bất kỳ sự đảm bảo nào về chất lượng từng chứng thư, báo cáo kết quả thẩm định giá đã được kiểm tra của DN thẩm định giá, nhưng có thể thúc đẩy DN nỗ lực cải thiện chất lượng trong khi khách hàng có những nhận định để lựa chọn các DN uy tín...
Bên cạnh sự phát triển của DN thẩm định giá , sự ra đời của Hội Thẩm định Giá Việt Nam cũng đã góp phần tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực này. Các đề xuất, góp ý của Hội Thẩm định Giá Việt Nam đều tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, thẩm định giá, thông qua các kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thẩm định giá; xử lý những mâu thuẫn, xung đột, thậm chí chia cắt trong hệ thống pháp luật có liên quan về giá và thẩm định giá, nhằm góp phần xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Giá và các luật có liên quan.
Hội Thẩm định Giá Việt Nam đã phối hợp xây dựng các văn bản pháp luật, đào tạo bồi dưỡng, hợp tác quốc tế, tổ chức hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá… qua đó góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động thẩm định giá. Những hoạt động tích cực này đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt tình hình, đưa ra được các giải pháp, nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá ở Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Đến nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về thẩm định giá tài sản trong xã hội ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu phải đưa thẩm định giá tài sản trở thành một nghề - một loại hoạt động dịch vụ tư vấn mang tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan, đủ năng lực hoạt động, nhằm bảo đảm cho nghề thẩm định giá phát huy tốt vai trò của mình, góp phần bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên tham gia thị trường.
Một số tồn tại, thách thức
Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020, nêu rõ mục tiêu phấn đấu xây dựng môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực thẩm định giá; phát triển nghề thẩm định giá theo lộ trình phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia; Tăng cường và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá, củng cố cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực thẩm định giá đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng 2200 thẩm định viên về giá; nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn.
Tuy nhiên, thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và lĩnh vực thẩm định giá riêng cho thấy, dù hiện nay, hành lang pháp lý về thẩm định giá luôn được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan quan tâm sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh, nhưng một số quy định của pháp luật về thẩm định giá vẫn còn chồng chéo giữa các ngành, số lĩnh vực, thậm chí có tình trạng mâu thuẫn như quy định về định giá đất, tư vấn giá đất... từ đó, gây ra khó khăn nhất định đối với việc thực hiện nghiệp vụ thẩm định giá và trách nhiệm giải trình với cơ quan có thẩm quyền và khách hàng thẩm định giá.
Theo thống kê của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp thẩm định giá đang hoạt động, với khoảng 1.400 thẩm định viên về giá đang hành nghề. Qua kết quả kiểm tra, giám sát của Cục Quản lý giá cho thấy, tuy còn có những hạn chế nhất định, nhưng chưa có doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật về thẩm định giá, nhiều doanh nghiệp thẩm định giá được đánh giá, xếp hạng cao.
Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí có những hành vi không đúng pháp luật về thẩm định giá diễn ra giữa các DN thẩm định giá. Cụ thể là xuất hiện tình trạng DN này cạnh tranh với DN khác bằng cách chào giá dịch vụ thấp hơn nhiều, thậm chí bằng một nửa DN khác cùng tham gia cung ứng dịch vụ thẩm định giá cùng một loại tài sản cho cùng một khách hàng thẩm định giá, ví dụ như giảm giá dịch vụ 50%-60% so với mức giá công bố; Chào giá dịch vụ thấp đi liền với việc thỏa thuận ngầm với khách hàng thẩm định giá về “chiết khấu” “hoa hồng”, cung ứng dịch vụ khác đi kèm không thu tiền, chấp nhận các điều kiện của khách hàng không phù hợp với quy định…
Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình tổ chức thi hành các quy định hướng dẫn chi tiết Luật Giá tại Nghị định số 89/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế và bất cập trong quá trình cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá, cũng như quản lý điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá. Điều này dẫn đến số lượng DN thẩm định giá phát triển nóng, phá vỡ định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013-2020. Đồng thời, cũng xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ, nhiều vụ việc thẩm định giá trong thi hành án, vay vốn ngân hàng gây bức xúc trong dư luận và xã hội…
Một số đề xuất, kiến nghị
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, để hoạt động này đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới, tác giả đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như sau:
Đối với cơ quan quản lý
- Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện khung khổ pháp lý về thẩm định giá phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong đó, sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực thẩm định giá; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá, đặc biệt là đối với các DN thẩm định giá và thẩm định viên về giá.
Qua đó, giúp phát triển nghề thẩm định giá tài sản theo lộ trình và trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho thị trường tài sản trở nên công khai, minh bạch; giúp cho việc quản lý và sử dụng hiệu quả các tài sản và các nguồn lực; giảm rủi ro trong đầu tư; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia nền kinh tế.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, trong đó bổ sung nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh của DN thẩm định giá và điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
- Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm hoạt động thẩm định giá tuân thủ đúng pháp luật, nâng cao chất lượng và tiện ích dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về thẩm định giá trị tài sản của khách hàng. Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường kiểm soát hoạt động của tổ chức thẩm định giá nước ngoài tại Việt Nam.
- Tiếp tục theo dõi, công bố kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của các DN thẩm định giá. Việc xếp hạng này có ý nghĩa quan trọng và đáp ứng xu hướng hiện nay. Qua đó giúp các DN hoạt động trong lĩnh vực này nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ về thẩm định giá. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Hội Thẩm định Giá Việt Nam, các DN thẩm định giá để tiếp tục tiến hành xếp hạng kết quả đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của các DN thẩm định giá.
- Nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá và thẩm định giá; đồng thời thực hiện chức năng thẩm định giá đối với các loại tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về giá. Triển khai thông qua tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về thẩm định giá; cử cán bộ đi học tập, đào tạo bậc đại học, trên đại học trong và ngoài nước theo các chương trình học bổng của Nhà nước và nước ngoài tài trợ; tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài về quản lý giá và thẩm định giá.
- Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là những tổ chức tại các quốc gia có sự tương đồng trong hệ thống quản lý nhà nước trong việc quản lý đối với hoạt động kinh doanh thẩm định giá để có thể hỗ trợ trong việc nghiên cứu và phát triển.
Đối với Hội Thẩm định giá Việt Nam
- Tiếp tục nâng cao, vị thế, vai trò của Hội Thẩm định giá Việt Nam trong việc tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý trong hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Đồng thời, vận động hội viên nghiêm túc chấp hành pháp luật về thẩm định giá, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh khi thực hiện cung cấp dịch vụ thẩm định giá cả về chất lượng dịch vụ, giá dịch vụ và tổ chức hoạt động dịch vụ; Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát để kiểm soát có hiệu quả tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trở thành một trong những “cánh tay nối dài” của Bộ Tài chính trong việc phối hợp giúp Bộ Tài chính quản lý theo dõi, giám sát, quản lý lĩnh vực thẩm định giá có hiệu quả hơn.
- Tiếp tục phối hợp tốt hơn với Bộ Tài chính tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách quản lý, điều hành giá, trong đó có thẩm định giá tài sản, tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận và giám sát từ xã hội.
Đối với doanh nghiệp thẩm định giá
- Không ngừng nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa trong hoạt động cung cấp dịch vụ về thẩm định giá, tránh tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng, thiếu lành mạnh. Hướng hoạt động cạnh tranh trong việc cung ứng dịch vụ thẩm định giá vào nâng cao chất lượng dịch vụ, uy tín nghề nghiệp, niềm tin của khách hàng để ngăn ngừa rủi ro, phát triển bền vững của các DN thẩm định giá; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; góp sức thực hiện chủ trương chống tham nhũng, lợi ích nhóm, nợ xấu của nền kinh tế và lãng phí, thất thoát nguồn lực của xã hội.
- Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình theo các quy định của pháp luật như: Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này và Luật DN; Cung cấp Báo cáo kết quả thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá cho khách hàng và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá đã ký kết; Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá; Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp; Bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật do vi phạm những thoả thuận trong hợp đồng thẩm định giá và trong trường hợp kết quả thẩm định giá gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng do không tuân thủ các quy định về thẩm định giá; Quản lý hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá thuộc quyền quản lý; Thực hiện chế độ báo cáo; Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá…
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2012), Luật Giá số 11/2012/QH13;
2. Chính phủ (2013), Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá;
3. Bộ Tài chính (2014), Quyết định số 623/QĐ-BTC ngày 28/3/2014 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam giai đoạn 2013-2020;
4. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 ban hành Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 12;
5. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 323/2016/TT-BTC ngày 16/12/2016 quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá;
6. Bộ Tài chính (2019), Thông tư số 25/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 323/2016/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá;
7. Bộ Tài chính (2018), Thông báo số 1085/TB-BTC ngày 28/12/2018 về công bố kết quả chất lượng hoạt động thẩm định giá lần đầu (năm 2017) của các DN thẩm định giá;
8. Hội Thẩm định Giá Việt Nam (2019), Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ II (2012-2017) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III (2018-2022);
9. Hội Thẩm định Giá Việt Nam (2013), Đề án kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá trong hoạt động thẩm định giá;
10. Minh Anh (2019), Quản chặt điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá, Thời báo Tài chính Việt Nam.