Tăng cường hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội

PV.

Thời gian qua, những chính sách tín dụng chính sách xã hội đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tiếp nối những thành công này, ngày 14/3/2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 401/QĐ-TTg về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 17% năm 2001 xuống còn 4,5% vào cuối năm 2015. Nguồn: internet
Tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 17% năm 2001 xuống còn 4,5% vào cuối năm 2015. Nguồn: internet

Hiệu ứng tốt từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội

Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện là một giải pháp quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 củacủa Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách nhận được sự quan tâm vào cuộc sâu sát hơn của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân. Nhờ đó, những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cho vay trên 27,9 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp gần 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; Thu hút, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động, hơn 3,4 triệu lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; Xây dựng trên 7,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 490.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; Gần 107.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 142.528 tỷ đồng, tăng 13.072 tỷ đồng (+10,1%) so với thực hiện năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ theo chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tăng 11.530 tỷ đồng, hoàn thành 99,4% kế hoạch. Dư nợ tập trung cao ở các chương trình: hộ nghèo 25,5%; hộ cận nghèo 19,3%; học sinh sinh viên 17,2%; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 14,1%...

Riêng năm 2015 đã có trên 2,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 400.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; Thu hút, tạo việc làm cho trên 173.000 lao động từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, trên 2.400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 103.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn (lần đầu) học tập trong năm; Xây dựng trên 1.349 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn, trên 5.300 căn nhà phòng, tránh bão, lụt cho hộ nghèo các tỉnh miền Trung và gần 2.500 căn nhà vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long… Tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 17% năm 2001 xuống còn 4,5% vào cuối năm 2015.

Chủ động huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả

Ngày 14/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 401/QĐ-TTg về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Kế hoạch này nhằm mục tiêu tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở trong việc xây dựng cơ chế chính sách và bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.

Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định.

Bên cạnh đó, cân đối đủ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội đã được ban hành; bảo đảm nguồn vốn hoạt động cho Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm theo quy định; cho vay các nguồn vốn ưu đãi thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định; tiếp tục đàm phán, ký kết các dự án tín dụng, các nguồn tài trợ cho công tác giảm nghèo từ các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn và tăng cường năng lực hoạt động cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ủy ban nhân dân các cấp dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Các tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia cần bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này; chỉ đạo, thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng; tăng cường công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước đối với người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội, của các Bộ, ngành có liên quan đến cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị.

Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ viên chức, người lao động trong đơn vị, nhất là cán bộ làm công tác tín dụng chính sách xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi và biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, có giải pháp chủ động thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả. Chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ gia đình trong quá trình tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay.

Đồng thời, thường xuyên quan tâm phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị nhận ủy thác để phát hiện tồn tại, có kiến nghị, chấn chỉnh và xử lý kịp thời; hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, các tổ tiết kiệm và vay vốn về quy trình, nghiệp vụ tín dụng chính sách để phối hợp triển khai tại cơ sở.

Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí và tầm quan trọng tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới.