Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính công
(Tài chính) Ngày 20/8, Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã đồng chủ trì tổ chức Hội nghị đối thoại cấp cao Nhóm đối tác tài chính công. Đây là hội nghị đầu tiên của Nhóm trên cơ sở hoàn thiện và đổi mới cơ chế hoạt động, thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Bộ Tài chính và các đối tác trong lĩnh vực tài chính công.
Định hướng cải cách tài chính công
Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi đà tăng trưởng mặc dù còn chậm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế trong nước đang chuyển biến tích cực, tăng trưởng những tháng đầu năm cao hơn so với cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng khá....an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục, tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến chậm, khó khăn trong sản xuất kinh doanh còn lớn và đang xuất hiện những khó khăn mới.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi vững chắc đà tăng trưởng – tập trung tháo gỡ khó khăn và tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội; sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lực đất nước, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững chủ quyền quốc gia; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính trước mắt, Bộ Tài chính cũng đang nỗ lực triển khai các định hướng, chương trình cải cách tài chính công trong trung và dài hạn đã được xác định rõ trong Chiến lược tài chính đến năm 2020.
Trong giai đoạn tới, cải cách tài chính công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tái cấu trúc lại nền kinh tế của Chính phủ đã được đề ra trong Chiến lược tài chính đến năm 2020, Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020 và Tài liệu chi tiết hoá Chương trình hành động trong giai đoạn 2014 – 2016. Trong quá trình này, Bộ Tài chính mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, phối hợp và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và vai trò đóng góp tích cực của Nhóm đối tác tài chính công.
Tăng cường hợp tác với các đối tác tài chính công
Trong nhiều năm qua, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển đã đóng góp tích cực và thiết thực vào các đột phá chiến lược của ngành tài chính như: giúp thúc đẩy cải cách thể chế, phát triển nguồn lực con người và đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại hóa ngành…
Hội nghị Đối thoại Cấp cao Nhóm Đối tác Tài chính công đã tái khẳng định tầm quan trọng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa các đối tác phát triển và Bộ Tài chính trong quá trình hướng tới hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược Tài chính đến 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ, mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực tài chính đã không ngừng phát triển và càng được củng cố trong giai đoạn 2011-2020 khi các đối tác phát triển và Bộ Tài chính đã cùng nhau hoàn thiện bộ Chiến lược Tài chính đến 2020, Kế hoạch Hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược, và gần đây nhất chính là Kế hoạch hành động trung hạn 2014-2016 thực hiện Chiến lược.
Sự hợp tác ấy chính là cơ sở tạo nên sự gắn kết chặt chẽ và nỗ lực phối hợp hiệu quả giữa các bên nhằm đạt được mục tiêu trung và dài hạn của ngành tài chính phục vụ giai đoạn bản lề của đất nước về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững.
Thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính, trong năm 2014-2015, Bộ Tài chính xác định nhiệm vụ quan trọng và được ưu tiên là tiếp tục hoàn thiện phương thức phối hợp, hợp tác cùng các đối tác phát triển theo hướng tăng cường hiệu quả và đáp ứng và yêu cầu thay đổi từ Diễn đàn quan hệ đối tác của Chính phủ (VDPF). Sự đồng thuận và sự tham gia hỗ trợ của của các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế đối với các chính sách phát triển của ngành tài chính và của quốc gia sẽ góp phần giúp Bộ Tài chính nói riêng và Việt Nam nói chung thực hiện công tác quản lý và cải cách tài chính công một cách hiệu quả nhất.
Cũng về vấn đề này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, Ngân hàng Thế giới rất ủng hộ công cuộc cải cách thủ tục hành chính nhất là cắt giảm thủ tục hành chính về thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội thời gian qua của Bộ Tài chính. Đồng thời, bà Victoria Kwakwa cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính về cải cách và quản lý tài chính công thời gian qua. Bà Victoria Kwakwa tin tưởng rằng việc phát huy những nỗ lực của Bộ Tài chính trong thời gian tới cùng sự hỗ trợ của các đối tác tài chính công sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế , đóng góp vào tăng trương và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.