Tăng cường kiểm soát nội bộ trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc

PV.

Bên cạnh nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn khoảng cách với đích đến “Kho bạc 3 không”, Kho bạc Nhà nước hiện đang nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm tăng cường kiểm soát, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc.

Kho bạc Nhà nước đang nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm tăng cường kiểm soát, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc.
Kho bạc Nhà nước đang nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm tăng cường kiểm soát, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc.

Thời gian qua, với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc, các thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn ngân sách tại Kho bạc Nhà nước đã được rút gọn, đơn giản hơn so với trước.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác kiểm soát chi tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ rủi ro, bởi do quy mô chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách ngày càng lớn, nội dung chi nhiều, quy định về quản lý tài chính ngân sách cũng còn thiếu sự thống nhất và chưa đầy đủ.

Theo Kho bạc Nhà nước, những hoạt động nghiệp vụ thường xảy ra rủi ro gồm: Rủi ro từ việc áp dụng các văn bản pháp luật; rủi ro từ các quy trình nghiệp vụ; rủi ro từ các ứng dụng công nghệ thông tin… Ngay cả việc hiểu biết chưa đầy đủ về các quy định, văn bản pháp luật liên quan đến nghiệp vụ Kho bạc đôi khi cũng dẫn đến việc áp dụng khác nhau giữa các địa phương và rủi ro xảy ra là điều khó có thể tránh khỏi.

Một số quy trình trong thực hiện kiểm soát chi hiện nay đã không còn phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật như: Quy trình giao dịch một cửa trong kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước…

Theo Kho bạc Nhà nước, những hoạt động nghiệp vụ thường xảy ra rủi ro gồm: Rủi ro từ việc áp dụng các văn bản pháp luật; rủi ro từ các quy trình nghiệp vụ; rủi ro từ các ứng dụng công nghệ thông tin… Ngay cả việc hiểu biết chưa đầy đủ về các quy định, văn bản pháp luật liên quan đến nghiệp vụ Kho bạc đôi khi cũng dẫn đến việc áp dụng khác nhau giữa các địa phương và rủi ro xảy ra là điều khó có thể tránh khỏi.

Thực tế, đã có những hồ sơ quy định trong quy trình của Kho bạc Nhà nước mà các đơn vị sử dụng ngân sách phải thực hiện, gửi đến Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi như: Bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh bảo hành…

Tuy nhiên, các thủ tục này không quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước. Điều này đã dẫn đến nhiều cách hiểu, cách giải quyết khác nhau, không thống nhất trong các đơn vị Kho bạc Nhà nước cấp cơ sở, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ và gây nên khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Chưa kể, từ tháng 11/2020 đến nay, các hồ sơ, chứng từ chi ngân sách nhà nước (trừ chứng từ của khối an ninh, quốc phòng) đã được thực hiện trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước. Cải cách này tuy giúp tiết kiệm thời gian, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, song cũng đặt ra không ít thách thức đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước. Bởi vì, việc thực hiện trên môi trường mạng, rất dễ xảy ra các rủi ro khi các đơn vị sử dụng ngân sách không thực hiện nghiêm, đúng quy định việc quản lý chứng thư số, chữ ký số và tài khoản chương trình.

Nhiều cảnh báo cho rằng, sẽ có trường hợp chủ tài khoản (thường là thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách) vì lý do bận công việc, không có thời gian nên giao luôn mã pin, chứng thư số, chữ ký số cho kế toán trưởng hoặc là người đại diện (không được phép ủy quyền). Cũng sẽ có trường hợp chủ tài khoản không quen sử dụng máy tính nên đã giao toàn bộ chứng thư số, mã pin cho người khác không đúng quy định, hoặc nhờ người khác sử dụng chứng thư số của mình ký hộ giao dịch thanh toán trong hoạt động tài chính… Đây chính là những sơ hở dẫn đến phát sinh những rủi ro trong quản lý ngân sách nhà nước. 

Nhằm để cảnh báo nguy cơ và hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra, Kho bạc Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp để nhận diện và khắc phục các rủi ro. Cụ thể, Kho bạc Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản cảnh báo rủi ro trong hoạt động hạch toán, thanh toán, kiểm soát chi ngân sách… đối với các Kho bạc Nhà nước địa phương. Các văn bản này đã phần nào giúp cảnh báo những nguy cơ và hướng dẫn cách phòng ngừa cho công chức Kho bạc Nhà nước cấp cơ sở.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ hiện nay, những rủi ro xảy ra ngày càng tinh vi và phức tạp, khó lường. Do vậy, đặt ra yêu cầu đối với Kho bạc Nhà nước cấp cơ sở trong việc tăng cường trao đổi, cập nhật cơ chế, chính sách, quy định, quy trình liên quan đến kiểm soát chi ngân sách nhà nước cho kế toán, chủ tài khoản của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời, đưa ra những cảnh báo và yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan có thẩm quyền liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình chi tiêu để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tiêu cực trong đơn vị. Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước hiện đang tiếp tục hoàn thiện quy trình kiểm soát chi nói chung và chi thường xuyên nói riêng, qua đó làm rõ hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của kho bạc trong các nội dung kiểm soát chi.

Kho bạc Nhà nước cũng đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm soát chi, hỗ trợ tối đa cho công chức kiểm soát chi, vừa giảm thiểu áp lực cho công chức vừa nâng cao hiệu quả thực thi công vụ; Nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến để thực hiện việc đối chiếu dự toán, tiền gửi, không thực hiện giao dịch trực tiếp như hiện nay và liên thông dữ liệu giữa các chương trình dịch vụ công trực tuyến, với hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc…

Tiếp tục đổi mới mô hình giao dịch, hình thức thanh toán để đảm bảo cho các công chức kiểm soát chi có điều kiện, thời gian kiểm tra các khoản chi một cách kỹ càng, đầy đủ và chặt chẽ; Ban hành cơ chế, quy trình, tổ chức bộ máy quản lý và kiểm soát rủi ro trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ cho công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn ngân sách nhà nước…

Ngoài những giải pháp trên, Kho bạc Nhà nước cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ để kiểm soát các yếu tố rủi ro bên trong của hệ thống. Tiếp tục trang bị các phương tiện, công cụ phần mềm cần thiết cho đội ngũ công chức thanh tra, kiểm tra cấp tỉnh; tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát cho đội ngũ công chức thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là việc giám sát từ xa thông qua báo cáo kế toán và báo cáo số liệu từ chương trình thanh toán, hệ thống dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng khác…

(*) Trần Thị Bích Nhân

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 10/2021.