Tăng cường quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

Thanh Tú

Nhằm tăng cường công tác quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan, khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Hành lang bảo vệ nguồn nước là hành lang được lập để bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước.
Hành lang bảo vệ nguồn nước là hành lang được lập để bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước.

Theo quy định tại Điều 23, Luật Tài nguyên nước 2023, hành lang bảo vệ nguồn nước là hành lang được lập để bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, phát triển du lịch liên quan đến nguồn nước.

Trong những năm qua, thực hiện việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước năm 2012, các địa phương (53/63 địa phương) đã hoàn thành việc lập, công bố Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, do kinh phí để thực hiện việc cắm mốc hành lang là rất lớn nên mới chỉ có 03/63 địa phương hoàn thành việc cắm mốc trên thực địa. Do vậy, tình trạng lấn chiếm đất hành lang bảo vệ nguồn nước làm thu hẹp không gian tiêu thoát lũ, cản trở dòng chảy, hạn chế khả năng tích, trữ, điều hòa nguồn nước, gây sạt, lở, ô nhiễm nguồn nước diễn ra nhiều nơi.

Để giải quyết tình trạng này, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, đồng thời, ngày 16/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 01/7/2024. Theo đó, tại Khoản 4, 5 Điều 23 Luật Tài nguyên nước đã quy định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải được thể hiện trên bản đồ địa chính và hành lang bảo vệ nguồn nước phải được công bố, quản lý theo quy định của Luật Tài nguyên nước và pháp luật về đất đai.

Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết quy định về việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, trong đó quy định chi tiết việc thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính tại Điều 27 của Nghị định.

Đồng thời, tại Điều 210 của Luật Đất đai năm 2024 đã quy định về đất xây dựng các công trình, khu vực có hành lang bảo vệ an toàn. Triển khai Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, có hiệu lực ngày 01/8/2024.

Theo đó, tại Điều 97, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP đã quy định chi tiết về việc quản lý, sử dụng đất xây dựng các công trình, khu vực có hành lang bảo vệ, trong đó tại điểm b khoản 1 có quy định: “Trường hợp Nhà nước thu hồi đất để bảo vệ an toàn công trình, khu vực thì người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật nếu việc sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có trước khi hành lang bảo vệ an toàn công trình, khu vực được công bố”.

Để triển khai thực hiện đồng bộ các quy định nêu trên, nhằm tăng cường công tác quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật về đất đai, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5992/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND cấp huyện có liên quan, khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Cụ thể, đối với các địa phương đã phê duyệt, công bố Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

Trường hợp nội dung Danh mục không đáp ứng điều kiện để thể hiện phạm vi trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì rà soát, điều chỉnh, cập nhật Danh mục theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.

Đối với các địa phương đang triển khai thực hiện việc lập, điều chỉnh Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc lập, điều chỉnh Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước; ngay sau khi công bố Danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, triển khai thực hiện việc thể hiện phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính hoặc bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP để xác định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 97 của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP (nếu có).

Đối với các địa phương đã phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 nhưng chưa thực hiện việc cắm mốc, chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh, cập nhật phương án cắm mốc theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP.