Tăng cường quản lý tài sản công tại các cơ quan hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Lê Doãn Hoài, Hồ Mỹ Hạnh, Đặng Thúy Anh

Luật Quản lý sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua với mục tiêu quản lý đầy đủ và toàn diện về tài sản công đã góp phần tăng hiệu quả sử dụng tài sản theo nguyên tắc thị trường; đồng thời, nâng cao quyền tự chủ của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài sản gắn với thực hiện công khai, minh bạch, giám sát của cộng đồng về quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn lực này tại các cơ quan hành chính cấp huyện vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: cơ chế quản lý, quy trình đầu tư và mua sắm tài sản nhà nước còn phân tán; phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công chưa được quy định rõ ràng, cụ thể. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản công của cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đặc điểm tài sản công tại cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện

Theo quy định tại Điều 20, Luật Quản lý sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, tài sản công tại cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) cấp huyện bao gồm: Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ; quyền sử dụng đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ; xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị; quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu; tài sản khác theo quy định của pháp luật.

UBND cấp huyện có quyền sử dụng tài sản công phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các biện pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài sản công được giao theo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm...

Tài sản công phong phú về số lượng, chủng loại, có tính chất, đặc điểm và công dụng khác nhau, song mọi tài sản công đều có những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, tài sản công trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị được đầu tư, xây dựng, mua sắm bằng tiền của ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn từ NSNN.

Thứ hai, sự hình thành và sử dụng tài sản công phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tài sản công trong các cơ quan cơ quan, tổ chức, đơn vị là cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động của các cơ quan HCNN, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động nhằm thực hiện các chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình. Vì vậy, tùy thuộc vào chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị mà hình thành và sử dụng các loại tài sản công khác nhau.

Thứ ba, nguồn vốn đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản công không được thu hồi trong quá trình sử dụng tài sản công. Vì thế, trong quá trình sử dụng tài sản bị hao mòn nhưng không được trích khấu hao (đối với các tài sản cố định) và giá trị của tài sản không được chuyển sang giá trị của sản phẩm vật chất, dịch vụ để hình thành giá trị mới của tài sản cần phải thu hồi. Nhà nước sử dụng các biện pháp hành chính như quy định các tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công cũng như kiểm soát chặt chẽ các khoản chi về duy trì bảo dưỡng sửa chữa tài sản công để các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản công một cách hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Thực trạng quản lý tài sản công tại cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện tại Nghệ An

Tỉnh Nghệ An có 21 huyện, thành, thị. Mô hình quản lý tài sản công theo mô hình quản lý tập trung, ở cấp tỉnh là Phòng Quản lý Giá và Công sản thuộc Sở Tài chính, còn ở cấp huyện là Phòng Tài chính - kế hoạch. Đây là cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND huyện về các vấn đề liên quan đến quản lý tài sản công trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu tổng hợp từ các cơ quan HCNN cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản thì tổng giá trị tài sản công do UBND các huyện quản lý (tính đến quý I/2022) là 16.052.023 triệu đồng; trong đó, tài sản là đất chiếm tỷ trọng cao nhất là 61 % (giá trị 9.750.943 triệu đồng), tiếp theo là giá trị tài sản nhà chiếm 38% (giá trị 6.135.433 triệu đồng), Giá trị tài sản là phương tiện vận tải (xe ô tô) là 0,9% (giá 127.994 triệu đồng) và các tài sản khác có giá trị trên 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản chiếm 0,1 % (giá trị 16.287 triệu đồng). Nguồn vốn hình thành tài sản từ NSNN chiếm trên 95% tổng nguyên giá tài sản.

Hiện nay, công tác quản lý tài sản công tại các đơn vị HCNN cấp huyện tại tỉnh Nghệ An gồm các nội dung mua sắm, quản lý sử dụng, khấu hao được thực hiện căn cứ vào các văn bản pháp luật sau: Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Thông tư số 144/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công; Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; Quyết định số 640/QĐ-UBND ngày 14/3/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về quy định danh mục tài sản mua sắm tập trung, phân công đơn vị mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện từ tháng 4/2022.

Các tài sản công tại các đơn vị HCNN cấp huyện tại tỉnh Nghệ An được tính khấu hao, hao mòn theo Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/7/2018 và được áp dụng từ năm tài chính 2018.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện theo Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 29/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài sản công.

Căn cứ vào các văn bản pháp luật và hướng dẫn của Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, Phòng Tài chính - kế hoạch tại các UBND cấp huyện đã xây dựng các quy trình thủ tục hành chính trong quản lý tài sản công như quy trình mua sắm, điều chuyển, thanh lý, thu hồi, tiêu hủy, xử lý tài sản bị mất theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

Tuy vậy, công tác quản lý tài sản công tại các cơ quan hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn một số tồn tại sau:

Thứ nhất, cơ chế quản lý tài sản công tuy đã được xác lập song vẫn còn những nội dung quy định chung chung, các những nguyên tắc, quy định cơ bản về trang bị, đầu tư, mua sắm tài sản cũng như trong quá trình sử dụng tài sản và xử lý tài sản còn thiếu hoặc chưa phù hợp. Dẫn đến một số cơ quan, tổ chức, đơn vị gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý tài sản công. Việc theo dõi, quản lý tài sản của một số đơn vị còn mang tính hình thức chưa cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công.

Bảng 1: Tổng hợp tài sản công tại các UBND huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tài sản

Số lượng tài sản

Diện tích (m2)

Nguyên giá (1000đ)

Giá trị còn lại (1000đ)

Tổng cộng

Trong đó

 

Ngân sách

Nguồn khác

1. Đất

3.450

19.836.759

9.750.943.776

9.750.943.776

 

9.750.943.776

2. Nhà

10.454

3.104.162

6.135.433.528

5.411.310.452

714.306.552

1.722.304.996

3. Vật kiến trúc

24

2.938

21.363.916

18.239.665

3.124.251

9.582.237

4. Xe ôtô

184

 

127.994.689

105.878.879

22.115.810

38.705.770

5. Tài sản khác

612

 

16.287.893

10.190.669

6.097.224

8.078.938

Tổng

   

16.052.02.802

15.296.563.441

745.643.838

11.529.615.719

Nguồn: Sở Tài chính Nghệ An (2022)

Hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công làm căn cứ quyết định đầu tư, xây dựng, mua sắm trang bị tài sản còn ít, chưa đầy đủ. Nhiều định mức chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc, nhu cầu sử dụng và khả năng nguồn kinh phí được phép sử dụng để quyết định số lượng và giá mua cụ thể của cơ quan HCNN.

Thứ hai, quá trình sử dụng tài sản chưa thực sự chặt chẽ. Công tác quản lý xe con dùng cho công tác của lãnh đạo huyện và các trưởng, phó phòng còn chưa thật sự chặt chẽ. Sổ lưu trữ lịch trình xe chưa ghi rõ ràng cung đường vận chuyển. Trong quản lý quá trình sửa chữa, nâng cấp tài sản, việc lập kế hoạch bảo dưỡng tài sản, thiết bị chưa được quan tâm đúng mực, lập kế hoạch bảo dưỡng còn qua loa chưa có chiều sâu. Trong quản lý quá trình khấu hao và thanh lý tài sản, việc thực hiện thời gian tính khấu hao tài sản đơn vị chưa thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính. Toàn bộ tài sản tại đơn vị đều áp dụng thời gian khấu hao tối đa cho tất cả tài sản, máy móc, thiết bị mà chưa căn cứ vào tình hình sử dụng cụ thể của từng loại.

Thứ ba, công tác hạch toán tài sản công chưa kịp thời đầy đủ. Để quản lý tốt tài sản công thì một trong những yêu cầu là phải có hệ thống thông tin đầy đủ, được cập nhật thường xuyên, mức độ tin cậy cao. Tuy nhiên, tài sản công ở các cơ quan hành chính cấp huyện bao gồm những loại tài sản cụ thể nào, cơ cấu phân bổ, hiện trạng sử dụng và khả năng khai thác đến đâu thì lại chưa có thông tin đầy đủ và tin cậy để làm cơ sở cho việc ra các quyết định quản lý. Công tác thống kê, báo cáo, theo dõi, hạch toán giá trị tài sản trên sổ sách kế toán của một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa phản ánh thực tế tình hình quản lý, sử dụng đảm bảo quy định, dẫn tới thông tin về tài sản không đảm bảo đầy đủ và chính xác để phục vụ cho công tác quản lý, chưa cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thứ tư, công tác xử lý tài sản công với các hình thức khác nhau như điều chuyển, thu hồi, thanh lý, bán hoặc chuyển nhượng chưa hiệu quả. Hiện nay, phương thức xử lý tài sản ở các cơ quan HCNN cấp huyện mới chỉ dừng lại ở thanh lý, bán tài sản hoặc điều chuyển nội bộ. Cơ quan quản lý lại không nắm được số tiền thu được từ việc bán, thanh lý tài sản, đặc biệt là những tài sản bán, thanh lý không thông qua Báo Đấu thầu nên đã gây ra tình trạng thất thu cho NSNN. Ngược lại có những tài sản không còn sử dụng được ở các cơ quan HCNN cấp huyện nhưng lại không được xử lý một cách hiệu quả khiến các cơ quan không những không tận dụng được nguồn thu từ bán, thanh lý mà ngược lại còn phải tốn kém chi phí lưu kho tài sản.

Thứ năm, cán bộ quản lý tài sản công chưa nhận thức đúng về vai trò của công tác quản lý tài sản công, xem nhẹ việc kê khai, lập báo cáo, dẫn đến việc tổng hợp báo cáo về tài sản công của cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công đôi lúc gặp khó khăn. Có một số cơ quan UBND huyện chưa nghiêm túc thực hiện công tác kê khai báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công hằng năm.

Giải pháp tăng cường quản lý tài sản công tại cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công

Căn cứ Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn luật, các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, UBND tỉnh Nghệ An quyết định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền, như tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị.

Để chủ động trong việc quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiết kiệm có hiệu quản, các cơ quan HCNN có trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công gắn liền với quy chế chi tiêu nội bội trong phạm vi của cơ quan mình làm căn cứ cho cán bộ, công chức trong cơ quan thực hiện, kho bạc kiểm soát chi. Cần phân cấp công tác bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị gắn liền với trách nhiệm cụ thể. Hàng năm, các đơn vị căn cứ vào tình trạng trụ sở, trang thiết bị và thời gian sử dụng theo quy định lập dự toán bảo trì, trùng tu, sửa chữa, hồ sơ thiết kế gửi về đơn vị dự toán cấp trên để kiểm tra, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét duyệt cấp kinh phí.

Hoàn thiện công tác kiểm kê, báo cáo tài sản công

Cần kiểm kê, báo cáo kê khai tài sản công để nắm bắt được tình hình thực tế của tài sản xem còn hay mất; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; hiện đại hóa công tác quản lý công sản qua phần mềm kế toán. Giải pháp tối ưu nhất là sử dụng phần mềm trong quản lý tài sản công. Với phần mềm này sẽ quản lý tài sản bằng mã vạch và in thẻ tài sản để dán vào tài sản khi kiểm kê và theo dõi, báo cáo tài sản kịp thời, nhanh chóng. Hàng năm thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện nâng cấp Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài sản công và các CSDL về tài sản công chuyên ngành để từng bước cập nhật, quản lý đủ thông tin về các loại tài sản công theo quy định của pháp luật. Xây dựng các văn bản hướng dẫn sử dụng, vận hành, khai thác CSDL quốc gia về tài sản công và các CSDL thành phần gồm: CSDL về tài sản công khu vực hành chính sự nghiệp; CSDL về tài sản kết cấu hạ tầng; CSDL về tài sản được xác lập sở hữu toàn dân; CSDL về đất đai và CSDL về tài nguyên để xây dựng báo cáo tài chính nhà nước hàng năm.

Tăng cường quản lý việc thu hồi, điều chuyển, khấu hao và thanh lý tài sản công

Thực hiện việc điều chuyển tài sản giữa các đơn vị từ nơi thừa, không có nhu cầu sử dụng đến nơi thiếu, nơi có nhu cầu sử dụng.

Nâng cấp CSDL quốc gia về tài sản công để quản lý tất cả các tài sản công được quy định tại Luật; xây dựng hệ thống giao dịch về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (như: bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản...). Xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch xử lý tài sản qua hệ thống này; bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát.

Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý tài sản công

Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công nhằm nâng cao nhận thức, trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật cho các cơ quan quản lý nhà nước về tài sản công, các cơ quan thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với tài sản công, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp được giao quản lý, sử dụng tài sản công. Triển khai cho tất cả công chức, người lao động việc thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; hướng dẫn thực hiện các bước theo quy trình, trình tự mua sắm, thanh lý, ghi tăng, ghi giảm tài sản công. Thực hiện đúng quy trình quản lý tài sản, đặc biệt là công tác sử dụng cần ghi đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.

Cán bộ quản lý tài sản công thuộc Phòng Tài chính - kế hoạch UBND huyện phải tự nghiên cứu kỹ Luật Kế toán, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; hệ thống văn bản, hướng dẫn như: nghị định, thông tư, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND Tỉnh... để vận dụng tham mưu cho thủ trưởng đơn vị quản lý điều hành. Đồng thời, phải thực hiện đúng quy trình theo dõi tài sản. Lập sổ sách theo dõi tài sản theo đúng quy định, số liệu trong sổ sách phải khớp đúng với báo cáo quyết toán và đối chiếu chéo giữa tài khoản, thực tế và sổ sách.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2017), Luật Quản lý sử dụng tài sản công;
  2. Chính phủ (2017), Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công;
  3. Bộ Tư pháp (2020), Viện Khoa học pháp lý, Báo cáo Đề tài cấp Bộ: “Quản lý và sử dụng tài sản của chính quyền địa phương hiện nay ở Việt Nam: Những vấn đề pháp lý đặt ra”
  4. Sở Tài chính Nghệ An (2020,2021), Báo cáo tình hình tài sản công năm 2019-2021;
  5. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công;
  6. Trần Thị Quang Hồng (2021), Quản lý, sử dụng tài sản công ở cấp chính quyền địa phương trong chế độ sở hữu toàn dân ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu và Lập pháp số 3+4 (2021).