Tăng lực hấp dẫn vốn FDI
Năm 2016, tổng số vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 24,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2015. Đặc biệt, đã có 15,8 tỷ USD được giải ngân - mức “đỉnh” từ trước đến năm 2016. 2 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất đối với nguồn vốn FDI.
Tờ Wall Street Daily (Mỹ) có bài viết với tựa đề “Đã tới lúc đầu tư vào Việt Nam”, trong đó có lời tuyên bố thẳng thắn: “Nhìn trên toàn cảnh thế giới hiện nay, thị trường tốt nhất có thể tìm thấy chính là Việt Nam”.
Theo FDI Intelligence (thuộc Fiancial Times) chuyên phân tích về vốn FDI, năm 2016 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đứng đầu các nền kinh tế mới nổi trong Chỉ số đầu tư mới. Chỉ số này được tính toán, xếp hạng dựa trên tỷ lệ nguồn vốn đầu tư mới trên toàn cầu của một quốc gia so với tỷ lệ GDP trên toàn cầu của quốc gia đó.
Việt Nam được chấm 6,45 điểm, nghĩa là đã thu hút lượng vốn FDI mới gấp hơn 6 lần so với mức kỳ vọng, giúp Việt Nam vượt xa những đối thủ cạnh tranh gần nhất như Malaysia (2,86 điểm), Thái Lan (2,43 điểm), Trung Quốc (0,41 điểm)...
Có một cái nhìn lạc quan khác: Tại lễ công bố PCI 2016 sáng 14/3/2017, một giáo sư đến từ Đại học Duke (Hoa Kỳ) cho biết, kết quả điều tra doanh nghiệp (DN) nước ngoài PCI- FDI năm 2016 cho thấy, những cải cách lớn đã tạo môi trường kinh doanh thân thiện hơn, làm gia tăng sự lạc quan của giới đầu tư nước ngoài. Trong 1.550 DN FDI được điều tra, có 11% đã tăng đầu tư hoạt động, 63% đã tuyển thêm lao động mới. Hơn một nửa số DN trong mẫu điều tra PCI-FDI cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động...
Tuy vậy, đằng sau sự lạc quan vẫn còn không ít điều đáng quan ngại.
Nhìn vào nội tại môi trường kinh doanh, cũng theo vị giáo sư đến từ Đại học Duke, năm 2016, có tới 72% DN FDI phản ánh bị mất hơn 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính. Hoặc, dù số cuộc thanh, kiểm tra mỗi năm tương đối thấp so với chuẩn mực quốc tế, song vẫn còn gần 5% DN FDI bị thanh tra, kiểm tra trên 8 lần. Theo các DN FDI, đứng đầu danh mục phiền hà là các thủ tục về thuế, phí, bảo hiểm xã hội, thông quan...
Tăng lực hấp dẫn vốn FDI, tạo thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, luôn là yêu cầu cấp thiết.