Tăng nguồn cung lao động có tay nghề để thu hút FDI thế hệ mới
Đây là khuyến nghị được chuyên gia nêu ra tại Hội thảo Một số khuyến nghị về chiến lược và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020 - 2030, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC - thành viên của Ngân hàng Thế giới) tổ chức chiều 9/7.
Theo Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Nội, những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký liên tục tăng. Cụ thể, nguồn vốn này tăng từ 20 tỷ USD năm 2014 lên gần 36 tỷ USD năm 2017.
Nếu tính theo tỷ lệ % GDP, vốn FDI tại Việt Nam cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ và hầu hết các nước trong khu vực ASEAN. Tính đến tháng 6/2018, tổng số vốn FDI đăng ký đạt 331 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 180 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam chưa có sự bứt phá so với các nguồn vốn khác, sự lan tỏa của các dự án FDI đối với các dự án đầu tư trong nước cũng như giá trị gia tăng còn hạn chế.
Thêm vào đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa được như mong đợi… Nguyên nhân được chỉ ra bởi chính sách thu hút FDI phần lớn tập trung vào các ưu đãi về thuế dựa trên vốn và chi phí nhân công, trong khi trên thực tế, các nhà đầu tư đã xác định rằng việc thiếu lao động có kỹ năng là một rào cản lớn đối với tăng trưởng.
Trong số các xu hướng lớn toàn cầu có ảnh hưởng đến FDI trong hơn 10 năm tới, Cách mạng Công nghiệp 4.0 là trào lưu có tính thách thức và đột phá nhất.
Trong bối cảnh mới, theo nhóm nghiên cứu lập báo cáo Chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới 2020 - 2030, việc xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên xúc tiến đầu tư FDI chủ động và có mục tiêu là rất cần thiết để góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế.
Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên là chế tạo, chế biến kim loại bậc cao, linh kiện điện tử; máy và thiết bị công nghiệp; nông sản mới giá trị cao như gạo cao sản, cà phê chè, hải sản; dịch vụ du lịch giá trị cao…
Song song với đó, chính sách cũng cần có những đột phá để bảo đảm thu hút FDI thế hệ mới. Theo đó, cần hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, bao gồm phạm vi các hoạt động xúc tiến đầu tư, cách tiếp cận, công cụ và các chỉ số hiệu quả FDI được sử dụng.
Đẩy mạnh nguồn cung lao động có tay nghề để tạo điều kiện thu hút FDI thế hệ mới. Rà soát toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay và thiết lập cân bằng giữa các chính sách ưu đãi “dựa trên lợi nhuận” với ưu đãi “dựa trên hiệu quả đầu tư”, theo đó cần đưa ra các quy định tương ứng về ưu đãi từ Luật Đầu tư vào Luật Thuế và Luật Hải quan.
Đặc biệt, nhóm chuyên gia lập báo cáo khuyến nghị cần thành lập Cục Quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới có đủ thẩm quyền và chức năng lồng ghép cao hơn để chỉ đạo việc thực hiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Theo đó, cơ quan này cần bảo đảm tách biệt giữa chức năng phê duyệt đầu tư liên quan đến đầu tư FDI ra nước ngoài (OFDI) với chức năng xúc tiến đầu tư chiến lược…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Bộ ghi nhận và đánh giá rất cao nỗ lực của IFC, đặc biệt của nhóm chuyên gia độc lập đã xây dựng báo cáo này. Các nội dung trong báo cáo, trong đó có các đề xuất sẽ được chúng tôi tiếp thu tổng hợp trong báo cáo 30 năm thu hút FDI để trình Chính phủ dự kiến vào tháng 10 tới.