Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ khởi nghiệp
Ngày 26/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan đã tổ chức Diễn đàn “Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao định hướng hoạt động của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới và việc phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức diễn đàn này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp (DN) và bình đẳng giới.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo động lực cho phụ nữ trong khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh nông nghiệp; Tập trung các hoạt động hướng dẫn phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh...
Phó Thủ tướng khẳng định việc xây dựng và triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2027” của Hội sẽ có nhiều thuận lợi khi năm 2016 đi vào lịch sử của đất nước với trên 110.000 DN thành lập mới, tăng hơn 16% so với cùng kỳ 2015, trung bình mỗi DN có số vốn đăng ký hơn 8 tỷ đồng...
Chính phủ hiện đang trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, sẽ xây dựng các chương trình hỗ trợ DN, tập trung cho DN siêu nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, tín dụng, lao động và các yếu tố đầu vào khác nếu không có hỗ trợ Nhà nước.
Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ DN khởi nghiệp, sáng tạo trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành DN.
Phó Thủ tướng cho biết, đối với DN khởi nghiệp, sáng tạo khó tiếp cận vốn ngân hàng, Chính phủ sẽ phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm và xây dựng thể chế khuyến khích đầu tư mạo hiểm... Đối với các DNNVV, Chính phủ cũng quy định về bảo lãnh tín dụng ở các địa phương theo hướng bảo lãnh 100% vốn vay (hiện nay là bảo lãnh 75%) để hỗ trợ tốt nhất cho các DN có phương án kinh doanh hiệu quả nhưng thiếu vốn.
Đồng thời, Chính phủ cũng sửa đổi thể chế kinh tế để thu hút DN đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, quy hoạch và quản lý quy hoạch đất đai, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư...