Tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý
Mặc dù diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước có những kết quả tích cực, song thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn chịu nhiều tác động từ TTCK thế giới và châu Á. Điều đó đòi hỏi, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cần có những quyết sách mạnh mẽ để giữ được sự ổn định của thị trường, bảo đảm duy trì sự tăng trưởng về chiều sâu.
Thu hút nhà đầu tư
Bước sang năm 2018, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giá dầu thế giới tăng, FED tăng lãi suất… nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều diễn biến khả quan, GDP trong quý II-2018 đạt mức khá 6,79% so với quý II - 2017; chỉ số CPI bình quân bảy tháng đầu năm 2018 tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 7-2018 duy trì ở mức ổn định.
Trong bối cảnh ấy, tính đến ngày 31/7, chỉ số VN Index đạt 956,36 điểm, chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 106,16 điểm. Mức vốn hóa thị trường đạt 3.837 nghìn tỷ đồng, tương đương 76,6% GDP. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên khá cao, đạt 7.709 tỷ đồng/phiên, tăng 52% so với bình quân cả năm 2017.
Thị trường trái phiếu hiện có quy mô niêm yết đạt 1.063 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2017 (tương đương 21% GDP) với hơn 589 mã trái phiếu niêm yết. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên tính chung trong bảy tháng đầu năm đạt 10,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 15% so năm 2017, trong đó tỷ trọng giao dịch Repo ngày càng tăng và lớn hơn tỷ trọng giao dịch Outright, điều này cho thấy thị trường đang có sự tăng trưởng về chiều sâu.
Trong tháng 7, giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh diễn ra với khối lượng hợp đồng bình quân đạt 140.950 hợp đồng/phiên, tăng 49% so với tháng trước. Tính chung bảy tháng đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 55.637 hợp đồng/phiên, tăng 4,9 lần so với năm 2017. Thanh khoản thị trường tập trung vào các hợp đồng ngắn hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tổng khối lượng mở (OI) cũng tăng theo các tháng.
Tính chung các tháng đầu năm 2018, tổng mức huy động trên TTCK đạt gần 117 nghìn tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017. Hoạt động đấu giá qua hai Sở GDCK trong những tháng đầu năm đạt 27 nghìn tỷ đồng với 40 phiên đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn, tỷ lệ thành công đạt 53%.
Như vậy, cả bảy tháng đầu năm, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào ròng TTCK Việt Nam ở mức độ tương đối cao ước đạt gần 2,1 tỷ USD, gấp ba lần so với cùng kỳ.
Đây cũng là một dấu hiệu tích cực cho thấy sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với các nhà đầu tư.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý
Để TTCK vận hành một cách minh bạch, UBCKNN đang tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm 2018, trình Quốc hội thông qua vào năm 2019. Luật Chứng khoán (sửa đổi) được xây dựng theo hướng giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường; nâng cao chất lượng quản trị công ty; công bố thông tin; tạo cơ chế xử lý CTCK hoạt động kém hiệu quả và thúc đẩy tổ chức kinh doanh chứng khoán phát triển; bổ sung cơ chế bảo vệ nhà đầu tư; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường (nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, quản lý và ngăn chặn việc lách luật thông qua chào bán riêng lẻ).
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng đang tích cực hoàn thiện các quy định về công bố thông tin (CBTT) như rà soát bổ sung đối tượng có trách nhiệm công khai thông tin; bổ sung nghĩa vụ CBTT bất thường của công ty đại chúng (CTĐC), nguyên tắc áp dụng báo cáo tài chính (BCTC) theo chuẩn mực quốc tế,...; Giám sát chất lượng của các công ty kiểm toán khi thực hiện kiểm toán BCTC của CTĐC; chất lượng hồ sơ tư vấn phát hành, niêm yết của CTCK.
Để tăng cường công tác thanh tra, giám sát vi phạm trên TTCK, trong Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ nghiên cứu bổ sung thẩm quyền cho UBCKNN trong việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra giám sát thị trường; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị của UBCKNN và hai Sở GDCK trong giám sát, phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm. Tiếp tục đào tạo và tăng cường năng lực cho công tác giám sát, tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật cho các bên liên quan.
Tái cấu trúc thị trường
Một nhiệm vụ trọng tâm của UBCKNN là đẩy mạnh công tác tái cấu trúc tổ chức TTCK. Theo đó, sẽ thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở hai Sở GDCK Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và phát triển, phân định các khu vực thị trường, gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh để nâng cao vị thế của SGDCK Việt Nam trong khu vực ASEAN.
Các CTCK và công ty quản lý quỹ (CTQLQ) được tái cấu trúc theo hướng phân loại từ chất lượng tài chính và khả năng cung cấp dịch vụ. UBCKNN sẽ trình Bộ Tài chính xem xét ban hành cơ chế pháp lý để tái cấu trúc các công ty hoạt động yếu kém, đồng thời cấp phép thêm cho một số công ty tốt, đủ điều kiện tham gia thị trường.
Thêm nữa, sẽ tập trung phát triển các giải pháp phát triển cơ sở nhà đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nâng hạng TTCK Việt Nam, đi đôi với việc duy trì, giữ mối quan hệ chặt chẽ, tổ chức đối thoại thường xuyên/định kỳ với thành viên thị trường, đặc biệt là các quỹ đầu tư, các ngân hàng lưu ký...
Với những bước đi chủ động và có tầm nhìn xa, TTCK Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ vận hành một cách minh bạch và tăng trưởng bền vững, trở thành điểm đến của dòng đầu tư, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.