Tăng thuế 3/19 linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên bằng mức cam kết WTO đối với 3/19 mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô trong nước đã sản xuất được, trong khi giữ nguyên thuế suất với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu.
Bộ Tài chính vừa có văn bản xin ý kiến các Bộ: Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp; Khoa học và Công nghệ; Giao thông vận tải; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) về điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi linh kiện, phụ tùng ô tô.
Các mức thuế điều chỉnh được Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung thuế nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng ô tô nhằm triển khai Quyết định số 229/2015/QĐ-TTg. Cụ thể, tại điểm b Điều 6.2 Quyết định số 229/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính: “b) Nghiên cứu, sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu theo thẩm quyền đối với ô tô phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được phê duyệt”.
Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ban hành 8 Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nhằm thực hiện các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đối với mức thuế nhập khẩu MFN (cam kết trong WTO), theo kết quả rà soát của Bộ Tài, có 201 dòng thuế thuộc các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô (thuộc các Chương 40, 70, 73, 84, 85, 87, 94).
Trong đó, có 47/201 dòng hàng là linh kiện, phụ tùng thuộc danh mục các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, gồm 28/47 dòng hàng đã có mức thuế suất MFN bằng mức cam kết WTO; 19/47 dòng hàng có mức thuế suất thấp hơn mức cam kết WTO thuộc đối tượng xem xét điều chỉnh tăng thuế suất lên bằng mức cam kết WTO.
Đáng chý ý, trong số 19 dòng hàng xem xét tăng thuế suất có 16/19 dòng hàng mặc dù có tên/mã hàng trong Danh mục sản xuất trong nước nhưng mô tả hàng hóa, tiêu chí, quy cách kỹ thuật của các dòng hàng này quy định tại Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được (TT14 KHĐT) và số 2840/QĐ-BCT ngày 28/5/2010 của Bộ Công Thương về việc ban hành danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được chỉ chứa một phần của mô tả hàng hóa quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Ví dụ: tại TT14 KHĐT mô tả mã hàng 8483.30.30 là “bạc nhíp, dùng cho xe từ 1,25 tấn trở lên”. Tuy nhiên tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi mô tả mã hàng 8483.30.30. là “Thân ổ, không dùng ổ bi hay ổ đũa; gối đỡ trục dùng ổ trượt/ Loại dùng cho động cơ xe của Chương 87”.
Như vậy tuy cùng mã hàng nhưng mô tả tại TT14 KHĐT chỉ là một phần của mô tả tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, do đó không thể coi mã hàng 8483.30.30 là trong nước đã sản xuất đầy đủ được.
Vì vậy, Bộ Tài chính chi tiết các linh kiện, phụ tùng có tên tại Danh mục trong nước đã sản xuất được theo TT14 KHĐT tại Chương 98 và quy định mức thuế suất bằng mức cam kết WTO nhằm đảm bảo triển khai theo đúng Quyết định số 229/QĐ-TTg.
Đối với 3/19 mặt hàng trong nước đã sản xuất được và có mô tả tại Danh mục ban hành theo TT14 KHĐT tương tự như danh mục Biểu thuế, Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu lên bằng mức cam kết WTO.
Cụ thể như sau: Mặt hàng Gương chiếu hậu dùng cho xe, mã hàng 7009.10.00: Khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định là 0-38%, cam kết WTO là 25%. Thuế nhập khẩu MFN hiện hành là 20%. Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) năm 2015 là 11,2 triệu USD, chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…Thuế suất ưu đãi đặc biệt ATIGA: 5%, AKFTA: không cam kết, ACFTA: không cam kết, VJFTA: 16%, AJFTA: 30% ...
Mặt hàng này trong nước đã sản xuất được theo TT14 KHĐT, Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế của mặt hàng Gương chiếu hậu dùng cho xe từ 20% lên mức 25%, bằng mức cam kết WTO.
Mặt hàng Thanh chắn chống va đập (ba đờ xốc) và bộ phận của nó, mã hàng 8708.10.90: Khung thuế suất do UBTVQH quy định là 0-30%, cam kết WTO là 25%. Thuế nhập khẩu MFN hiện hành là 20%. KNNK năm 2015 là 18,4 triệu USD, chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…Thuế suất ưu đãi đặc biệt ATIGA: 0%, AKFTA: không cam kết, ACFTA: 5%, VJFTA: 3%, AJFTA: 3%…
Mặt hàng này trong nước đã sản xuất được theo TT14 KHĐT, Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế của mặt hàng Thanh chắn chống va đập (ba đờ xốc) và bộ phân của nó từ 20% lên mức 25%, bằng mức cam kết WTO.
Mặt hàng Chân ga (bàn đạp ga), chân phanh (bàn đạp phanh) hoặc chân côn (bàn đạp côn), mã hàng 8708.99.30: Khung thuế suất do UBTVQH quy định là 0-30%, cam kết WTO là 25%. Thuế nhập khẩu MFN hiện hành là 15%. KNNK năm 2015 là 4,2 triệu USD, chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, …Thuế suất ưu đãi đặc biệt ATIGA: 0%, AKFTA: không cam kết, ACFTA: 5%, VJFTA: 0%, AJFTA: 0%…..
Mặt hàng này trong nước đã sản xuất được theo TT14 KHĐT, Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế của mặt hàng Chân ga (bàn đạp ga), chân phanh (bàn đạp phanh) hoặc chân côn (bàn đạp côn) từ 15% lên mức 25%, bằng mức cam kết WTO.
Cũng theo Bộ Tài chính, đổi với ô tô nguyên chiếc, gồm xe ô tô chở 10 người trở lên và 9 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các dòng thuế hiện đã được quy định bằng mức trần hoặc sát trần cam kết của WTO năm 2016, góp phần hạn chế nhập khẩu ô tô, thúc đẩy lắp ráp, sản xuất trong nước đối với các chủng loại xe ưu tiên phát triển.
Do vậy Bộ Tài chính giữ nguyên thuế nhập khẩu MFN đối với ô tô nguyên chiếc như hiện hành, trừ trường hợp thực hiện cắt giảm theo cam kết WTO hàng năm.
Riêng các mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện các cam kết theo các Hiệp định Thương mại tự do FTA đối với phụ tùng, linh kiện ô tô tại 9 Biểu thuế hiện hành đang được thực hiện theo đúng cam kết./.
Đề xuất xây dựng danh mục linh phụ kiện đáp ứng yêu cầu
Theo quy định tại Quyết định 229/QĐ-TTg thì điều kiện để áp dụng mức thuế trần theo các cam kết là các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô sản xuất trong nước phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng.
Tuy nhiên theo Bộ Tài chính thấy điều kiện này chưa rõ vì rất khó để xác định như thế nào là đáp ứng được yêu cầu về chất lượng (ví dụ như cần đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn nào, tiêu chuẩn quốc gia hay quốc tế, áp dụng riêng cho từng chủng loại xe hay đáp ứng chung cho tất cả các loại xe, chất lượng sản xuất hay chất lượng đăng kiểm…), yêu cầu về số lượng (số lượng theo nhu cầu lắp ráp xe trong nước hay số lượng theo mục tiêu nêu tại Chiến lược và Quy hoạch, thời điểm nào để xác định linh kiện đạt yêu cầu về số lượng…?).
Vì vậy, tại văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng danh mục các loại phụ tùng, linh kiện động cơ, hộp số, cụm truyền động, các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng để Bộ Tài chính có cơ sở điều chỉnh thuế suất.