“Tăng tốc” cho công nghiệp hỗ trợ

T. Trang

Công nghiệp hỗ trợ luôn có vị trí nhất định không thể thiếu trong ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và đầy áp lực cạnh tranh như hiện nay. Bởi vậy, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển phù hợp với quy mô nền kinh tế là yêu cầu bức thiết của Việt Nam hiện nay.

Công nghiệp hỗ trợ luôn có vị trí nhất định không thể thiếu trong ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Nguồn: internet
Công nghiệp hỗ trợ luôn có vị trí nhất định không thể thiếu trong ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Nguồn: internet

Nhiều chính sách hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp và có vai trò quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. Nói cách khác, công nghiệp hỗ trợ không phải là ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” hay “hỗ trợ” mà được coi như ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia.

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tăng khả năng sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nước ngoài và hạn chế nhập siêu cho lĩnh vực này và ngành công nghiệp nói chung. Gần đây nhất là Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có nhiều ưu đãi mới dành riêng cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tại buổi chấn vấn ngày 16/11 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ đang từng bước phát triển. Theo đó, Việt Nam đã nâng giá trị gia tăng phần sản xuất trong nước của một số lĩnh vực công nghiệp trong những năm qua. Cụ thể, dệt may từ 10-20% đã tăng lên 50%, da giày từ 20 tăng lên 65% và các lĩnh vực khác như xi măng, thiết bị sử dụng cho nhà máy điện... do Việt Nam tự sản xuất cũng gia tăng nhiều. Trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, riêng với ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chỉ đạt khoảng 10 - 15%. Tuy nhiên, đối với xe chở khách và xe tải dưới 5 tấn, Việt Nam đã đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40%, thậm chí tới 85%.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng được chú trọng thời gian qua. Điển hình như các chương trình hợp tác hỗ trợ giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc...

Cần nhiều nỗ lực

Mặc dù đã có nhiều giải pháp đồng bộ phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng lĩnh vực này hiện nay vẫn gặp phải nhiều thách thức đặc biệt là sự thiếu hụt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa có năng lực. Do vậy, các doanh nghiệp chính phải tìm kiếm nguồn cung cấp từ bên ngoài và gây nhập siêu trong sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn hạn chế,khả năngtham gia chuỗi cung ứng sản phẩm ở mức thấp do sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là chỉ dừng ở khâugia công, lắp ráp;giá thànhsản phẩm cao bởi phảinhập khẩu nguyên liệu đầu vào và đặc biệt làchất lượng chưa caodo công nghệ, tay nghề, tính tuân thủ tiêu chuẩn còn yếu, dây chuyển sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật còn lạc hậu.

Bài toán đặt ra là khắc phục các khó khăn và đưa công nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới. TS. Võ Trí Thành cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thì chuyển giao công nghệ và kỹ năng là rất quan trọng. Hơn nữa, tiềm năng, lợi thế khi ta tham gia Hiệp định TPP cũng như Hiệp định thương mại tự do khác sẽ là điều hiện thuận lợi để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hiệu quả và chất lượng hơn. Đồng thời, cần đào tạo đội ngũ nhân lực có kiến thức chuyên môn, chuyên nghiệp, làm quen với tác phong của thế giới và các nền công nghiệp hiện đại.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng chỉ ra rằng, để phát triển hơn nữa công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần tận dụng tốt quy định của luật đầu tư về công nghiệp hỗ trợ; luật thuế sửa đổi một số ưu đãi về công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ban hành quy hoạch 6 nhóm hàng về công nghiệp hỗ trợ; thực hiện triệt để kết nối giữa các doanh nghiệp lớn trong nước cũng như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ để hợp tác mang lại lợi ích cho cả 2 bên.