Tăng trưởng tín dụng đạt 10,1%
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 10,1% so với cuối năm 2020.
Chia sẻ thông tin tại toạ đàm: "Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 30/11/2021, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 10,1% so với cuối năm 2020. Con số này tại thời điểm 29/10 là 8,72%.
"Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 1,38%, tương ứng với lượng tín dụng được bơm thêm ra nền kinh tế là khoảng 126.857 tỷ đồng", Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói.
Trả lời câu hỏi, liệu thời gian tới, việc giảm lãi suất có chịu rủi ro khi lạm phát thế giới đang lên cao, đại diện NHNN cho biết, năm 2021 lãi suất đã giảm khoảng 0,5-0,7%, cộng với năm 2020 thì tổng cộng lãi suất đã giảm 1,6%.
Về bối cảnh năm 2021, dư địa giảm lãi suất huy động là không còn, nếu hạ tiếp có thể gây xáo trộn lớn tới thanh khoản hệ thống. Lãi suất trên thị trường đã ở mức khá thấp, vì vậy trong thời gian tới NHNN sẽ chú trọng hơn tới an toàn hệ thống, điều hành lãi suất đảm bảo các cân đối vĩ mô, vừa đảm bảo cung cấp vốn rẻ cho nền kinh tế.
Bà Hằng chia sẻ, hiện Bộ KH&ĐT đang xây dựng đối tượng cụ thể được hỗ trợ lãi suất theo gói. NHNN và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm, đưa phương án về nguồn lực khả thi để thực hiện chương trình hỗ trợ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn khác.
Theo đó, gói hỗ trợ lần này đã được rút kinh nghiệm thực tế từ khủng hoảng năm 2009-2011, từ đó có chính sách hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.
Về áp lực lạm phát thời gian tới, đại diện NHNN cho biết, đơn vị này dự báo lạm phát năm 2022 sẽ chịu áp lực lớn từ yếu tố độ mở nền kinh tế, lạm phát nhập khẩu và việc các nước dần thu hẹp nới lỏng tiền tệ. IMF đã có cảnh báo rủi ro lạm phát với Việt Nam và dự báo lạm phát có thể ở mức từ 3,5-4%, tuỳ thuộc vào giá hàng hoá thế giới.
TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong thời gian tới gồm: Mức độ rủi ro của đại dịch còn rất lớn, hiện nay hầu hết các tính toán đều dựa trên giả định khủng hoảng y tế giảm dần và được khống chế vào năm 2022. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều rủi ro với dịch bệnh, chưa thể biết trước, nên những biện pháp đưa ra nếu không tính toán đến yếu tố dịch tễ thì rất khó sát với thực tế.
Việt Nam được đánh giá là đã sử dụng chính sách tiền tệ nhiều hơn các nước, trong khi chính sách tài khóa còn khiêm tốn. Do đó, chính sách tài khóa đóng vai trò lớn trong thời gian tới. Việt Nam nên cân nhắc chấp nhận tăng nợ công và tăng bội chi. Tất nhiên là cần thiết lập kỷ luật tài khóa trong trung và dài hạn.