Tạo cầu bền vững: Yêu cầu cấp thiết đối với thị trường chứng khoán phái sinh
Thị trường chứng khoán phái sinh tuy mới triển khai nhưng đã có sự tăng trưởng mạnh cả về hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản góp phần hoàn thiện cơ cấu của thị trường chứng khoán, hoàn chỉnh cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Sự kiện 10/8/2017, thị trường CKPS Việt Nam chính thức vận hành là sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến lớn trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau 17 năm hình thành và phát triển, đồng thời đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ năm trong ASEAN (bên cạnh Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan) có thị trường CKPS và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này.
Kết quả triển khai bước đầu
Sau gần 5 tháng khai trương và đi vào hoạt động, thị trường CKPS đã có sự tăng trưởng cả về khối lượng hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản, cụ thể:
- Về quy mô giao dịch: quy mô giao dịch ngày càng tăng thể hiện sức hút lớn của thị trường CKPS. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.106.353 hợp đồng tương ứng với tổng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt 96.298 tỷ đồng. Tình bình quân, khối lượng giao dịch đạt 10.954 hợp đồng/ngày và giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt 953,44 tỷ đồng/phiên. Bình quân mỗi tháng tăng 49% về khối lượng hợp đồng và 58% về giá trị giao dịch.
- Khối lượng hợp đồng mở (OI): tiếp tục tăng mạnh, đạt 8.077 hợp đồng, tăng gấp 3,7 lần so với cuối tháng 8/2017. Việc duy trì tăng trưởng khối lượng OI thể hiện dòng tiền vào thị trường phái sinh ổn định và tăng trưởng.
- Số lượng tài khoản nhà đầu tư liên tục tăng: Đến cuối năm 2017 đã có hơn 17.000 tài khoản giao dich CKPS đã được mở, gấp gần 3 lần so với cuối tháng 8/2017 (tháng đầu tiên mở cửa thị trường.
- Diễn biến thị trường phái sinh so với thị trường cơ sở: Sau gần 5 tháng triển khai, mối quan hệ giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh đã được xác lập rõ nét. Diễn biến tích cực của chỉ số thị trường cơ sở VN30 Index khiến chỉ số tương lai (ở hầu hết các kỳ hạn) đều tăng theo. Các hợp đồng tương lai kỳ hạn ngắn tiếp tục giao dịch ở mức thấp hơn chỉ số VN30. Thanh khoản tập trung vào hợp đồng kỳ hạn ngắn. Sự biến dộng mạnh của chỉ số VN30 trong phiên làm hoạt động giao dịch của hợp đồng tương lai tăng mạnh, đặc biệt tại thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11/2017.
Quang cảnh Hội nghị. |
Một số giải pháp phát triển thị trường chứng khoán phái sinh
Thị trường CKPS đi vào hoạt động từ ngày 10/8/2017 đã góp phần hoàn thiện cơ cấu của TTCK. Về cơ bản, hành lang pháp lý cho thị trường CKPS đã được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, cơ sở nhà đầu tư cần phải tiếp tục được cải thiện do nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng chủ yếu trên thị trường cổ phiếu và thị trường phái sinh. Sự tham gia của nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường còn hạn chế, mặc dù có được cải thiện trong thời gian gần đây.
Chính vì vậy, việc đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, sản phẩm cơ cấu; phát triển các sản phẩm phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp. Theo đó sẽ triển khai các sản phẩm cụ thể như: (i) sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Convered Warrant) trong quý I/2018. Trong đó, việc hướng dẫn chính sách thuế đối với chứng quyền có bảo đảm; (ii) Hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ trong quý III/2018.
Cải tiến chất lượng, chỉ số hiện hành, sửa đổi bộ quy tắc chỉ số VN30 phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho thị trường CKPS.
Mở rộng đối tượng thành viên tham gia thị trường đối với các ngân hàng thương mại; tăng cường hoạt động giám sát hoạt động trên thị trường theo hướng an toàn, tạo uy tín cho thị trường trong và ngoài nước.
Phối hợp với cơ quan quản lý giá Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) xây dựng phương án giá dịch vụ đối với thị trường CKPS.
Tiếp tục nghiên cứu về cơ chế, chính sách và khả năng áp dụng các công nghệ mới (Fintech) trong lĩnh vực thị trường vốn.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2018, tổ chức ngày 22/1/2018, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả năm 2017, TTCK phái sinh đi vào hoạt động, đã góp phần hoàn thiện cơ cấu của TTCK, hoàn chỉnh cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam gồm: thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro; TTCK phái sinh tuy mới triển khai nhưng có sự tăng trưởng mạnh cả về hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản...
Thứ trưởng Trần Xuân Hà yêu cầu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu TTCK theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục triển khai lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ ban hành nhiệm vụ về tái cơ cấu giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, có cả tái cơ cấu về hàng hóa trên thị trường, cơ sở các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trung gian, đặc biệt là tái cơ cấu khu vực giao dịch thị trường.
Như vậy, nhiệm vụ xây dựng và phát triển TTCK giai đoạn 2018-2020 tiếp tục được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo an toàn hệ thống, tiếp cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đồng thời sự phát triển phải phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với các cấu phần khác của thị trường tài chính theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Theo nội dung Đề án Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam, giai đoạn từ năm 2013-2015 sẽ là thời gian xây dựng khung pháp lý và hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ thông tin để vận hành thị trường; từ năm 2016-2020 sẽ tổ chức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh. Về mô hình thanh toán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam sẽ là tổ chức duy nhất thực hiện chức năng bù trừ thanh toán chứng khoán phái sinh theo mô hình đối tác trung tâm (CCP- Central Counterparty)