Thị trường tăng điểm, công ty chứng khoán lãi lớn
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lợi nhuận hoạt động các công ty chứng khoán (CTCK) đã tăng mạnh trong năm qua, nhờ thị trường chứng khoán tăng điểm tích cực.
Ngoài yếu tố thị trường, điểm mới trong năm nay là cách hạch toán lợi nhuận của các CTCK đã thay đổi.
Theo Thông tư 334 sửa đổi, bổ sung thay thế Thông tư 210 về cách hạch toán lợi nhuận của CTCK, các khoản đầu tư tự doanh sẽ được đánh giá lại theo giá trị hợp lý (mark to market). Bên cạnh đó, danh mục tự doanh của nhiều CTCK ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng giá, lợi nhuận của khối CTCK cũng tăng tương ứng.
Tăng trưởng theo thị trường
Thị trường chứng khoán kết thúc năm 2017 bằng đỉnh 970 điểm của Vn-Index – đây là mức cao nhất trong vòng 10 năm, kể từ tháng 12/2007. Sự thăng hoa này đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào top 3 chỉ số chứng khoán có mức tăng mạnh nhất trong năm 2017.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vốn hóa thị trường chứng khoán hiện đã lên tới con số 3,36 triệu tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016.
Thanh khoản thị trường cũng tăng tới 63% so với năm 2016. Tổng giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt gần 5.000 tỷ đồng/phiên. Cùng với đó, dòng vốn ngoại ồ ạt chảy vào thị trường Việt Nam.
Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh trong năm qua đã đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp niêm yết, trong đó có sự tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận của khối CTCK.
Tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản của khối CTCK tăng 27% so với năm 2016 (năm 2016 tăng 9,2%), chiếm 1,1% tổng tài sản của các định chế tài chính Việt Nam.
Quy mô vốn chủ sở hữu của khối các CTCK tăng 16,9% so với năm 2016; tài sản ngắn hạn thể hiện tính an toàn chiếm 93,1% tỷ trọng tổng toàn sản, tỷ trọng các khoản đầu tư tài chính rủi ro vào cổ phiếu chưa niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp giảm.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán khởi sắc đã tạo điều kiện cho các CTCK thu hồi các khoản vay khó đòi, hoàn nhập dự phòng rủi ro đầu tư tài chính. Cơ cấu danh mục đầu tư tài chính của các CTCK an toàn với tỷ trọng tiền gửi đạt 46,7% (năm 2016 là 41,1%), tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp đạt 26,8% (năm 2016 là 28,9%); Tỷ lệ vốn khả dụng bình quân theo báo cáo của các CTCK đạt 399,5%, cao hơn nhiều mức chuẩn an toàn 180%.
Kết thúc năm 2017, dư nợ cho vay ký quỹ của hệ thống CTCK tăng 41% so với cuối năm 2016. Lợi nhuận của hệ thống CTCK trong năm 2017 ước tăng 70% so với năm 2016 (năm 2016 giảm 1%) do doanh thu từ môi giới chứng khoán, cho vay ký quỹ tăng…
Tuy nhiên, để biết được kết quả chính xác kết quả kinh doanh của các CTCK, phải cần thêm thời gian, do theo quy định, các CTCK có thời hạn hết quý I/2018 để hoàn tất công bố báo cáo tài chính có kiểm toán năm 2017.
Mặc dù vậy, ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là hoàn toàn có thể đúng khi tính đến 30/9, lợi nhuận sau thuế của các CTCK đã tăng trưởng 52% so với cùng kỳ 2016 và dư nợ cho vay tăng 36% so với đầu năm.
Nhiều CTCK đã vượt kế hoạch kinh doanh từ quý III như: CTCK HSC đã vượt 10% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng khi đạt gần 500 tỷ đồng lợi nhuận; CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS); CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (AGR)…
Thậm chí, CTCK BSC còn vượt xa kế hoạch lợi nhuận 82,6 tỷ đồng năm 2017 trong 6 tháng đầu năm với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 120 tỷ đồng.
Vẫn còn dư địa
Ngay trong những ngày đầu năm 2018, Vn-Index đã chạm ngưỡng tâm lý quan trọng 1.000 điểm.
Theo nhận định của một số chuyên gia chứng khoán, sau khi vượt mốc 1.000 điểm, có khả năng Vn-Index sẽ phá đỉnh 1.170 điểm ngay trong quý I/2018, vì quý II là quý thường có nhiều thông tin tích cực, bao gồm kế hoạch kinh doanh năm mới, chia thưởng, trả cổ tức.
Dự báo Vn-Index sẽ tạo đỉnh 1.350, tức đạt mốc tăng khoảng 35% trong khoảng tháng 6 – 7/2018. Có thể, Vn-Index sẽ tiếp tục lập đỉnh mới, trong đó có việc chạm mốc 1.500 điểm ngay trong năm 2018.
Ông Bùi Nguyên Khoa – đại diện công ty Chứng khoán BIDV (BSC), đánh giá: “Thị trường chứng khoán tăng điểm rất nhanh cùng với quy mô của nền kinh tế. Cách đây không lâu, GDP của Việt Nam chỉ ở mức 130 tỷ USD và cuối năm 2017 đã đạt trên 220 tỷ USD. Cùng với đó, vốn hóa của thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh và đạt hơn 70% GDP. Hệ thống doanh nghiệp phát triển, các ngành nghề cơ bản cổ phần hoá được xây dựng và có cơ hội rộng mở”.
Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức ra đời với sản phẩm đầu tiên của thị trường là Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 với 4 loại hợp đồng, giá trị giao dịch liên tục tăng.
Chỉ tính riêng trong tháng 12, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 15.700 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng/phiên, mang lại mức phí giao dịch không nhỏ cho các CTCK được cấp phép tham gia thị trường phái sinh, hiện tại gồm có HSC, SSI, BSC, VNDS, MBS, VCSC, VPBS.
Hơn nữa, trong quý I/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo và tháng 8 – 9/2018 triển khai Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, trong năm 2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ nghiên cứu nghiệp vụ giao dịch chứng khoán trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về.
Như vậy, dư địa để tìm kiếm lợi nhuận đang rộng mở hơn cho các CTCK, nhưng cũng đòi hỏi CTCK phải có “sức khỏe” và năng lực quản trị tốt, đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và củng cố vị thế.