Tạo cơ chế khuyến khích hoạt động bảo lãnh
Một trong những động lực giúp kinh tế tư nhân phát triển chính là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Theo đó, cùng với sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng thì các quỹ, đặc biệt là quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa cần thay đổi điều kiện và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngay từ cuối năm 2001, quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa đã được quy định tại Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa tại các địa phương được xem là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ nguồn vốn, tạo thuận lợi để DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh (SXKD) góp phần phát triển đất nước.
Tuy nhiên trên thực tế tính đến cuối năm 2016, cả nước mới có 27 quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa được thành lập, với tổng vốn điều lệ ước khoảng 1.462 tỷ đồng. Nhiều quỹ có vốn thấp, không đạt mức tối thiểu 30 tỷ đồng.
Nguồn vốn của những quỹ này chủ yếu do ngân sách địa phương góp, tổ chức tín dụng có tham gia góp vốn nhưng ở mức khiêm tốn. Việc huy động nguồn vốn cho quỹ gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, tổ chức bộ máy và năng lực điều hành còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, dù mang tính chất là cầu nối giữa ngân hàng với những DN nhỏ và vừa chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về tài sản bảo đảm nhưng có phương án SXKD hiệu quả, khả thi, tuy nhiên 16 năm qua, vai trò cầu nối này của quỹ bảo lãnh vẫn còn mờ nhạt. Nhiều quỹ được thành lập, nhưng hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp.
Ngay cả TP. Hồ Chí Minh - được xem là địa phương có quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa hoạt động khá sôi nổi nhưng số lượng DN tiếp cận được hình thức bảo lãnh còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của DN trên địa bàn.
Thực trạng trên xuất phát từ những bất cập trong cơ chế hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Mặc dù hoạt động bảo lãnh được đánh giá là đảm bảo an toàn vốn hơn so với cho vay tín chấp, nhưng nhiều ngân hàng vẫn không dám cho vay vì sợ rủi ro.
Mặt khác, tiêu chuẩn bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa tại các địa phương gần giống các ngân hàng, hay các quỹ tín dụng khác, tức là DN muốn được bảo lãnh thì phải có tài sản thế chấp. Đây là nút thắt khiến phần nhiều (khoản 70%) DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bởi vậy, cùng với sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, việc hoàn thiện cơ chế hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng là một trong những biện pháp để giải quyết bài toán về tiếp cận vốn cho các DN nhỏ và vừa muốn mở rộng lĩnh vực đầu tư, SXKD.
Đây cũng chính là hành động thiết thực góp phần thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, qua đó tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII).
Trên thực tế, hiện nay một DN muốn được quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện việc bảo lãnh thì DN đó phải có dự án tốt, đảm bảo tính khả thi, hấp dẫn, phải có lượng tài sản thế chấp 15% tổng vốn vay và 15% vốn tham gia dự án, không được nợ đọng. Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, đây là điều kiện khó, chưa kể việc bảo lãnh còn kèm theo nhiều yêu cầu khác.
Nếu điều kiện quá ngặt nghèo, thì hoạt động bảo lãnh sẽ khó được thực hiện. Do đó, theo ông Phong, điều kiện bảo lãnh cần có sự điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN, lấy phương án kinh doanh làm cơ sở quan trọng để thực hiện bảo lãnh. Cùng với đó, cán bộ của quỹ bảo lãnh cần nâng cao năng lực thẩm định dự án và có trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Đặc biệt, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần tăng cường cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát chống trục lợi và lạm dụng quỹ. “Phải tạo sức ép để các quỹ này thực hiện tốt nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết chứ không thể để tình trạng nhân viên ngồi một chỗ mà hưởng lương” - ông Phong kiến nghị.