Gỡ nút thắt tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân đừng chỉ thấy rủi ro
Đây là ý kiến được chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân (DNTN), do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 26/7.
70% doanh nghiệp tư nhân chưa tiếp cận được vốn tín dụng
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Trần Văn Tần, khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng khách hàng quan trọng với các tổ chức tín dụng. Hiện, dư nợ của khối này đạt gần 4 triệu tỷ đồng với hàng triệu khách hàng đang còn dư nợ.
Tổng tín dụng đối với khu vực kinh tế tư nhân trong tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế vào khoảng 5,8 triệu tỷ đồng và liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ cho vay doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đạt 53%, năm 2015 lên 62% và tính đến tháng 4/2017 đạt 66%.
Tuy nhiên, “hiện có khoảng 70% DNTN chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng”, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam tiết lộ. Cũng theo ông Nam, đây là nghịch lý bởi ngân hàng không thiếu vốn, chỉ thiếu niềm tin với các DNTN, trong khi nợ xấu của khối này lại thấp hơn so với doanh nghiệp khác!
Có nhiều nguyên nhân khiến DNTN khó tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, đại đa số các doanh nghiệp này có quy mô hoạt động nhỏ, chưa có chiến lược đầu tư dài hạn nên việc sử dụng vốn tự có là an toàn hơn cả.
Bên cạnh đó, dù lãi suất cho vay của ngân hàng đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng của doanh nghiệp; nhiều DNTN chưa tạo dựng được niềm tin với ngân hàng do khả năng quản trị còn yếu, khả năng tài chính hạn chế, báo cáo tài chính không công khai minh bạch để tổ chức tín dụng cho vay. Ngoài ra, còn có lý do từ phía ngân hàng vì lo sợ bị hình sự hóa nên rất thận trọng trong việc cho các DNTN vay vốn.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, hiện, ngân hàng chi phối khoảng 80% vốn xã hội, 80% thu nhập ngân hàng là do hoạt động tín dụng truyền thống mang lại.
Việc tín dụng không đến được với doanh nghiệp thì không chỉ doanh nghiệp mãi không thể lớn mà bản thân ngân hàng cũng bị giảm thị phần, giảm doanh thu. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách cũng như vị thế quốc gia.
Ngân hàng cũng cần “hy sinh” quyền lợi
Thời gian tới, để khơi thông dòng vốn tín dụng đối với khối DNTN, theo các chuyên gia, đòi hỏi nỗ lực của cả phía doanh nghiệp và ngân hàng.
Theo đó, cần tạo đột phá bằng cách thực hiện tốt việc cho vay theo chuỗi mà Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định. Phía doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn liên kết với nhau để tự lớn lên. Chỉ khi đó mới mong đủ sức để đáp ứng yêu cầu cho vay của ngân hàng bởi “ngân hàng cũng phải kinh doanh chứ không phải làm từ thiện”, ông Phong nói.
Đối với các quỹ hỗ trợ, bảo lãnh doanh nghiệp cũng cần đổi mới phương thức hoạt động, nới lỏng quy định bảo lãnh. Việc hạ lãi suất cho vay là cần thiết, song khối DNTN cần nhất là mở lối ra để vay tín chấp và được tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn trung và dài hạn, thay vì vừa vay xong đã lo trả nợ.
Ngoài ra, ngân hàng cũng cần thiết kế lại điều kiện cho DNTN vay một cách phù hợp, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp những điểm còn hạn chế như báo cáo tài chính, phương án kinh doanh. Bên cạnh đó, chính sách cũng cần tháo gỡ tâm lý e ngại cho các ngân hàng, không nên xem xét hình sự hóa những vấn đề không liên quan đến tư lợi cá nhân; chọn cách cho vay tín chấp là lối ra để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho DNTN.
Song, “căn cơ là phải thay đổi phương thức tư duy”, ông Tô Hoài Nam nêu ý kiến. Theo đó, Ngân hàng không nên “nhìn” 70% DNTN không đáp ứng điều kiện vay là rủi ro mà nên “nhìn” ra trong đó khoảng 10% có tiềm năng tăng trưởng.
Bởi đây là mối quan hệ dựa trên nguyên tắc công bằng. Ngân hàng với tư cách là doanh nghiệp đặc biệt, có tính chuyên nghiệp cao hơn DNTN nhiều lần, có nguồn vốn hùng hậu thì cần chủ động hơn doanh nghiệp, thậm chí “hy sinh” một chút lợi ích để có lợi lâu dài.