Tỉnh Bạc Liêu:
Tạo động lực mới cho phát triển kinh tế biển
Bạc Liêu là một tỉnh ven biển thuộc Bán đảo Cà Mau, có bờ biển dài 56km, cùng 16.000ha bãi bồi vốn được xem là cái nôi của nhiều loại thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, với một ngư trường rộng lớn (gần 40.000km2) và 4 cửa sông lớn thông ra biển (Nhà Mát, Chùa Phật, Cái Cùng và Gành Hào) đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề khai thác và đánh bắt thủy, hải sản phát triển…
Nhiều dự án động lực
Để phát huy thế mạnh từ kinh tế biển, từ năm 2012 Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo.
Tiếp đó là Nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Và sau đó, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI cũng xác định phát triển kinh tế biển là một trong 5 trụ cột quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Qua đó cho thấy, phát triển kinh tế biển đã được chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ và được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động và hình thành nên sức bật mới cho một tỉnh thuần nông hướng đến công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Để khai thác và phát huy thế mạnh vốn có này, trong những năm qua Bạc Liêu đã thu hút nhiều dự án động lực và hình thành nên những mô hình, dự án đứng đầu khu vực và cả nước. Như trong phát triển tôm công nghiệp, Bạc Liêu được xem là “điểm sáng” và tiên phong cho những mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, với trên 3.438ha.
Đặc biệt, Bạc Liêu đã xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu giai đoạn 1 trên diện tích 419ha và đang lập dự toán chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Đồng thời, đang tích cực triển khai thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Cùng với đó, với năng lực mỗi năm sản xuất từ 32 - 35 tỷ post tôm sú và tôm thẻ giống, tỉnh đang hướng đến trở thành trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Cùng với phát triển mạnh nghề nuôi trồng, một trong những thế mạnh tiêu biểu của tỉnh hiện nay chính là thu hút và phát triển nhiều dự án năng lượng sạch. Tiêu biểu nhất là Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu, với công suất 3.200MW, tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch điện VII.
Bên cạnh đó là 10 dự án điện gió có tổng công suất trên 660MW, tổng vốn đầu tư trên 32.262 tỷ đồng, đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, góp phần cho nguồn vốn đăng ký vào lĩnh vực kinh tế biển tăng rất cao, chiếm tỷ lệ 81,81% so với tổng vốn thu hút đầu tư của tỉnh. Điều này đã khẳng định kinh tế biển thật sự là một trụ cột rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong đó, nhiều dự án điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ đã được xây dựng hoàn thành và tổ chức đóng điện thương mại như: Điện gió của Công ty Công Lý, Tập đoàn Kosy Công ty Bắc Phương, Công ty Hacom Bạc Liêu… Tất cả những dự án động lực trên với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm và trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.
Cần một chiến lược cho “vươn khơi”
Phải thừa nhận rằng, phát triển kinh tế biển trong thời gian qua tuy thu hút nhiều dự án động lực, nhưng có một lĩnh vực gần như bị “bỏ quên” - đó chính là hoạt động khai thác và đánh bắt thủy, hải sản.
Quan tâm đến lĩnh vực này, vì nó giải quyết việc làm và bài toán an sinh cho hàng ngàn lao động sống bằng nghề biển. Các dự án động lực như nuôi tôm công nghệ cao, hay phát triển năng lượng sạch… chủ yếu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn cao và số lượng lao động được giải quyết việc làm trong 2 lĩnh vực này không nhiều. Trong khi đó, chỉ tính riêng lao động trực tiếp trên các đội tàu của tỉnh Bạc Liêu hiện nay cũng có gần 7.000 người và hàng chục ngàn lao động khác có việc làm, thu nhập từ các dịch vụ và hậu cần nghề biển.
Thực tế trong những năm qua cho thấy, tiềm năng trong phát triển nghề khai thác và đánh bắt thủy, hải sản là rất lớn, nhưng gần 20 năm qua số lượng tàu khai thác xa bờ phát triển không nhiều. Thậm chí kế hoạch chuyển đổi ngành nghề từ các phương tiện nhỏ khai thác gần bờ gây cạn kiệt và hủy diệt nguồn lợi thủy sản vẫn còn là những dự án nằm trên giấy. Hiện toàn tỉnh có 1.148 tàu cá đăng ký hoạt động đánh bắt, nhưng số tàu có khả năng đánh bắt xa bờ chỉ có 485 chiếc!
Từ thực trạng trên cho thấy, Bạc Liêu cần có một chiến lược riêng cho hoạt động khai thác và đánh bắt thủy, hải sản, nhất là khi Cảng cá Gành Hào được xây dựng trở thành cảng cá loại I. Bởi cảng cá này không chỉ phục vụ cho các đội tàu đánh bắt trong tỉnh, mà còn hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng như sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển mạnh công nghiệp chế biến hàng thủy sản khai thác từ biển và thu hút, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động khu vực ven biển. Đây cần được xem là giải pháp căn cơ và quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khi giải quyết tốt bài toán an sinh cho người dân, chủ động đấu tranh làm thất bại các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng đói nghèo để lôi kéo, kích động và thực hiện các thủ đoạn chia rẽ, diễn biến hòa bình…
Ngoài việc thiếu một chiến lược dài hơi cho đánh bắt xa bờ, vấn đề phát triển kinh tế biển trong thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Như hạ tầng giao thông có tốc độ phát triển nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch và chưa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, nhất là các tuyến trục ngang chưa kết nối được với các tuyến quốc lộ.
Một số công trình động lực của tỉnh chưa cân đối được vốn để đầu tư xây dựng theo quy hoạch như: Cảng biển Bạc Liêu, cầu Vàm Xáng, cầu Xóm Lung, cầu Bạc Liêu 4, đường từ cầu Bạc Liêu 4 ra đê biển, đường Xóm Lung - Cái Cùng... nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng biển và ven biển của tỉnh.
Để phát triển kinh tế biển trở thành một trụ cột quan trọng và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, thiết nghĩ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu cần đánh giá lại các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế biển và có ngay các giải pháp chiến lược cho thế mạnh đặc thù này.
Điều đó sẽ tạo nên những “cú hích” và động lực mới cho Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 36 của BCH Trung ương Đảng khóa XII.