Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi):

Tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ tài sản công

PV.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời, cụ thể hóa phạm vi tài sản công theo Điều 53 Hiến pháp 2013, quy định chế độ quản lý, sử dụng và xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với tài sản công, ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Ngày 31/10/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Ngày 31/10/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Yêu cầu từ thực tiễn

Tài sản công có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Để tổ chức quản lý, khai thác tài sản công, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này. Trước yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong những năm qua, hệ thống pháp luật về tài sản công đã từng bước được hoàn thiện.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công, việc ban hành quy định mới thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành là hết sức cần thiết.

Đặc biệt, dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) đã cụ thể hóa phạm vi tài sản công theo Điều 53 Hiến pháp, quy định chế độ quản lý, sử dụng và xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với tài sản công, tạo lập sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công.

Dự thảo Luật có bố cục 10 Chương với 137 Điều, gồm các nội dung cơ bản: Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công; Quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước; Quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính đất đai, tài nguyên thiên nhiên; Hệ thống thông tin về tài sản công và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; Dịch vụ về tài sản công.

Hướng đến chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công

Theo tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Việc sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật. Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) đã cụ thể hóa phạm vi tài sản công theo Điều 53 Hiến pháp, quy định chế độ quản lý, sử dụng và xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với tài sản công.

Dự thảo Luật được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng bao quát, đầy đủ phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.

Trên cơ sở đó, Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đánh giá, việc sửa đổi Luật sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Đánh giá về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội đã có ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thời gian vừa qua. Ngoài ra, theo các đại biểu, việc sửa đổi góp phần thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước đã tổng hợp được số liệu của 88.857 đơn vị, chiếm 99% tổng số đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Tổng giá trị nguyên giá của tài sản nhà nước được thống kê mới nhất là 1.646.448,95 tỷ đồng.