Nghị quyết số 41-NQ/TW:
Tạo nền tảng, định hướng để từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân lớn mạnh
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, Chương trình hành động của VCCI sẽ tập trung xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử và đạo đức kinh doanh. Từ đó, hình thành hệ giá trị và các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Phóng viên: Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đặt ra những mục tiêu cụ thể để phát triển doanh nghiệp cũng như đội ngũ doanh nhân. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Nghị quyết này?
Ông Phạm Tấn Công: Nghị quyết số 41-NQ/TW cho thấy Đảng rất quyết tâm, kiên định phát triển đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam. Tại Nghị quyết có một số vấn đề rất mới trong xây dựng đội ngũ doanh nhân đã được nâng lên tầm lý luận.
Theo đó, đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nghị quyết nhấn mạnh đến xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng. Nếu môi trường kinh doanh chỉ thuận lợi mà không an toàn thì doanh nghiệp không dám làm. Nếu chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai, nguồn lực… cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài, còn doanh nghiệp địa phương bị bỏ ngỏ thì đội ngũ doanh nghiệp dân tộc không lớn mạnh được. Doanh nghiệp nước ngoài là nguồn lực quan trọng, là động lực của tăng trưởng, nhưng để phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thì phải dựa vào doanh nghiệp trong nước.
Phóng viên: Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra những mục tiêu cụ thể trong thời gian tới. Theo ông, để đạt được mục tiêu, VCCI sẽ có những kế hoạch như thế nào?
Ông Phạm Tấn Công: Để Nghị quyết số 41-NQ/TW thành công, theo tôi cần đạt 3 mục tiêu: Đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, đảm đương vai trò nòng cốt; Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi - bình đẳng; Định hình văn hóa kinh doanh nhất quán, thống nhất trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam.
Trước hết, cần nhận thức: doanh nghiệp phải lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, đây là vấn đề cốt tử để xây dựng quốc gia, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao và thể chế hóa nhận thức này. Nhìn lại trước kia, rất nhiều chủ trương hay của Đảng, Nhà nước được đưa ra nhưng thể chế hóa còn chậm, chưa sát chủ trương. Vì vậy, rất cần có chiến lược quốc gia về xây dựng đội ngũ doanh nhân, chiến lược quốc gia về đào tạo doanh nhân. Cùng với đó, cần cụ thể hóa bằng luật, văn bản, các văn bản pháp quy làm nền tảng.
Sau thể chế hóa, vấn đề thực thi của hệ thống chính trị được đặt ra. Chúng tôi không kỳ vọng ngay lập tức tạo ra sự đột phá lớn, mà đây là quá trình nhưng không thể kéo dài, bởi các mục tiêu phát triển không đợi chúng ta. Chúng ta chỉ còn 21 năm để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, do đó cần hết sức quyết liệt. Nghị quyết số 41-NQ/TW không phải là “cây đũa thần” mà là tạo nền tảng, định hướng để từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.
Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, Chương trình hành động của VCCI tập trung xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử và đạo đức kinh doanh, hình thành hệ giá trị và các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam. Đây là mục tiêu và yêu cầu rất mới nhưng cũng rất cấp bách trong thời kỳ mới, khi Việt Nam hướng tới mục tiêu tới năm 2045 trở thành quốc gia phát triển. Trên cơ sở đó, hình thành đội ngũ doanh nhân đầu ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, hàng đầu quốc gia, có năng lực kinh doanh ngang tầm quốc tế, tiêu biểu về đạo đức, văn hóa kinh doanh.
VCCI phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước tổ chức thực hiện Nghị quyết. Bên cạnh đó, VCCI cũng sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan thực hiện đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Mặt khác, VCCI cũng chủ động xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cấp cao liên kết giữa VCCI và các đối tác quốc tế, hướng tới hình thành cơ sở đào tạo doanh nhân đẳng cấp quốc tế chuyên về bồi dưỡng, đào tạo các lãnh đạo cấp cao cho các doanh nghiệp.
Hiện, VCCI đang kết nối với các tổ chức quốc tế để nhận được sự hỗ trợ trong xây dựng và thực hiện chương trình này. Mục tiêu cho 5 năm tới là thực hiện đào tạo, bồi dưỡng ít nhất 500 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp lớn và 5.000 doanh nhân lãnh đạo kế cận, ngoài ra, đào tạo khoảng 200.000 nhân sự doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phóng viên: Một trong những nội dung quan trong được đặt ra tại Nghị quyết số 41-NQ/TW đó là về vấn đề đạo đức và văn hóa kinh doanh. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Tấn Công: Trong phần quán triệt Nghị quyết, các nội dung, nhiệm vụ cụ thể nhưng khái quát lại chỉ cần xây dựng được đội ngũ doanh nhân Việt Nam thực sự lớn, mạnh, gánh vác được sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao; có môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn bình đẳng; có đạo đức văn hóa kinh doanh quốc gia.
Văn hóa doanh nghiệp là câu chuyện riêng của mỗi doanh nghiệp nhưng văn hóa kinh doanh quốc gia và câu chuyện chung của cả dân tộc chứ không phải riêng đội ngũ doanh nhân. Việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài mang tính chiến lược trong phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Xây dựng những giá trị, các chuẩn mực của văn hóa kinh doanh quốc gia chính là yếu tố cốt lõi để thành công. Thời gian qua đã có một số doanh nhân đi sai đường, lạc lối do chưa nhận thức đúng về đạo đức kinh doanh. Chúng ta cần hiểu mục tiêu của doanh nhân là làm ra giá trị chứ không phải làm ra tiền.
Tạo ra đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, bền vững là mục tiêu; doanh nghiệp lớn mạnh có sức cạnh tranh trên thế giới, hàng hóa Việt Nam lan tỏa toàn cầu, giá trị đạo đức của doanh nhân Việt Nam được thế giới ca ngợi,… như vậy mới là quan trọng.
Vì vậy, chúng ta cần xây dựng được hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị kinh doanh của người Việt, thậm chí đưa ra nguyên tắc cái gì cần làm và không được làm. Trong quan hệ lao động, ứng xử với người lao động, hợp tác giữa các nhà doanh nghiệp, tri thức, công nhân, nông dân… là quan trọng. Việc hợp tác giữa các bên với nhau là vấn đề lớn hiện nay, vì doanh nghiệp không dám làm, nông dân không tin doanh nghiệp do khái niệm giá trị hai bên chưa thống nhất.
Vì vậy, ngoài việc cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án quốc gia về Văn hóa kinh doanh, VCCI tiếp tục nghiên cứu triết lý kinh doanh, quy tắc đạo đức doanh nhân, từ đó phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước cùng thực hiện.
Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!