Tạo sự linh hoạt trong xử lý nợ xấu từ cơ chế
Để thực hiện tốt vai trò xử lý nợ, hỗ trợ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN; đồng thời là nhân tố quan trọng phát triển thị trường mua bán nợ, hỗ trợ các DN thuộc các thành phần kinh tế khác, bên cạnh việc mở rộng chức năng, quyền hạn thì cần có cơ chế xử lý những trường hợp đặc thù… cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC)
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế khi đánh giá về cơ chế, chính sách đối với hoạt động xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC hiện nay.
Trong 16 năm hoạt động vừa qua, những kết quả DATC đạt được trong hoạt động, mua bán nợ, tài sản tổn đọng, tham gia xử lý tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp là không thể phủ nhận. DATC đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và khẳng định vị thế trên thị trường mua bán nợ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động với thực tiễn phát sinh trên thị trường mua bán nợ đã đăt ra không ít khó khăn, thách thức cho DATC khi “chiếc áo” pháp lý cơ chế hoạt động ngày càng chặt đã ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng xử lý nợ của DATC…
Để nâng cao tính pháp lý, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phát triển thị trường mua bán nợ, hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ Tài chính đã nghiên cứu trình Chính phủ dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của DATC, với những nội dung mới.
Trong đó đáng lưu ý là dự thảo cho phép DATC chủ động tiếp cận, hoặc được cấp có thẩm quyền chỉ định DATC tiếp cận, khảo sát các DN có vốn nhà nước hoặc các DN khác cần có sự hỗ trợ của DATC và báo cáo về khả năng tái cơ cấu, xử lý tài chính, đề xuất phương án xử lý tài chính và phối hợp với DN để xây dựng phương án tái cơ cấu nếu khả thi.
Đặc biệt, dự thảo quy định cụ thể hơn cơ chế chỉ định đối với các trường hợp DATC tham gia thực hiện theo phương án tái cơ cấu, ví dụ như chỉ định đối tượng mua nợ là DATC, chỉ định mức giá bán nợ cho DATC, chỉ định các biện pháp hỗ trợ tài chính, xử lý tài sản...
Riêng đối với các khoản nợ tiếp nhận (là các khoản nợ khó đòi được các DNNN loại trừ, bàn giao cho DATC khi cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu) thì bổ sung cơ chế chủ động trong việc xóa nợ lãi khi DN khách nợ hoàn trả đủ nợ gốc trong 12 tháng, xóa nợ lãi và sử dụng một phần phí được hưởng theo quy định để xóa nợ gốc, nhằm khuyến khích khách hàng trả nợ sớm; báo cáo cấp có thẩm quyền trong trường hợp khoản nợ tiếp nhận không còn khả năng thu hồi.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung cơ chế cho phép DATC được chủ động xem xét để thực hiện nhiều giải pháp như: Xóa nợ lãi và một phần nợ gốc cho khách nợ theo nguyên tắc trên và được hội đồng thành viên phê duyệt. Thỏa thuận với khách nợ và các bên có liên quan để thu nợ bằng tài sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất, để thực hiện chuyển giao quyền sở hữu giữa các bên theo quy định; Thỏa thuận với khách nợ và bên thứ ba để chuyển giao nghĩa vụ trả nợ sang bên thứ ba trên nguyên tắc đảm bảo thuận lợi hơn cho DATC trong xử lý và thu hồi nợ. Thỏa thuận với chủ sở hữu DN khách nợ về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia tái cơ cấu DN khách nợ. Đồng thời, được chủ động bán các khoản nợ sau khi đánh giá không có khả năng thu hồi được giá vốn mua nợ trong một số trường hợp…
Với những dự thảo quy định trên, nhằm giúp DATC chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện mua nợ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo khả năng thành công cao hơn khi DATC tham gia tái cơ cấu, xử lý tài chính cho các DN được cấp có thẩm quyền chỉ định.
Việc DATC tham gia khảo sát, tiếp cận DN từ ban đầu, tham mưu và xây dựng phương án tái cơ cấu trình cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ định DATC thực hiện sẽ giúp nâng cao tính khả thi của phương án tái cơ cấu. Việc Chính phủ chỉ định DATC thực hiện sẽ đảm bảo hiệu quả bền vững và lâu dài cho DN, đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DATC trong việc thực hiện tái cơ cấu DN, đảm bảo không chỉ hiệu quả về tài chính mà còn hiệu quả về kinh tế và xã hội.
Mặt khác, cơ chế mới giúp tăng cường khả năng cạnh tranh, tính chủ động, linh hoạt của DATC trong quá trình triển khai hoạt động mua bán, xử lý nợ cả đối với các khoản nợ mua theo chỉ định và mua theo thỏa thuận; Đồng thời, giúp DATC chủ động và đủ thẩm quyền hơn trong việc áp dụng linh hoạt các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế phát sinh, để tập trung thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và tối đa hóa các nguồn thu cho Nhà nước...