Đại học Kinh tế quốc dân:
Tham vấn chuyên gia về các nội dung xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII
Ngày 26/10/2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Đại học Kinh tế Quốc dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng: Lựa chọn để phát triển”. Sự kiện được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia về những vấn đề có thể trở thành đầu vào quan trọng cho các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Hội thảo có sự tham gia và chủ trì của Phó Thủ tướng - GS.TS. Vương Đình Huệ cùng hàng trăm nhà quản lý, chuyên gia kinh tế từ các cơ quan trung ương, các trường trường đại học, các viện nghiên cứu trên khắp cả nước.
Theo Quyết định số 85/QĐ-BKHĐT ngày 29/1/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được giao chủ trì 6 chuyên đề phục vụ xây dựng Chiến lược 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia về những vấn đề có thể trở thành đầu vào quan trọng cho các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ áp dụng xuyên suốt phương thức “lựa chọn để phát triển” cho cả quá trình xây dựng nội dung chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới. Theo đó, tại hội thảo các nhà quản lý, các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm sau:
- Định vị kinh tế Việt Nam: Đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Chiến lược 10 năm 2011-2020, Kế hoạch 5 năm 2016-2020; So sánh Việt Nam với các quốc gia có cùng điều kiện phát triển trong lịch sử; So sánh Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Định vị nền kinh tế Việt Nam hiện nay: Khát vọng và động lực phát triển; Đề xuất mục tiêu phát triển dài hạn; Đề xuất mục tiêu phát triển trước mắt; Đề xuất động lực phát triển mới.
- Lựa chọn và giải pháp chiến lược: Lựa chọn trong mô hình tăng trưởng mới; Lựa chọn trong các vấn đề như phát triển nông nghiệp nông thôn, kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, khu vực FDI và các giải pháp chiến lược…
Theo PGS. TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhằm xác định các trọng tâm chính sách cho giai đoạn 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, nhóm nghiên cứu đã đánh giá và xếp hạng ưu tiên các khía cạnh kinh tế - xã hội - môi trường theo các tiêu chí sau: (1) Cơ sở lý thuyết phát triển kinh tế - xã hội; (2) Vấn đề được coi là nghiêm trọng; (3) Vấn đề đã được tính đến trong các mục tiêu và chiến lược phát triển của quốc gia; (4) Vấn đề được xác định là thách thức trong bối cảnh đương đại; (5) Khả năng về nguồn lực thực hiện của đất nước và khung thời gian.
Từ việc sắp xếp các trọng tâm ưu tiên như trên, các định hướng chính sách cũng được nhóm nghiên cứu chia thành 3 trụ cột tương ứng với 3 nhóm ưu tiên đầu:
- Các chính sách nền tảng: Phát triển nguồn nhân lực; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Xây dựng nền quản trị công minh bạch, hiệu quả; và Phát triển cơ sở hạ tầng.
- Các chính sách đòn bẩy: Phát triển khu vực tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên Cách mạng công nghiệp 4.0, ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tạo ra các chuỗi giá trị và hình thành các ngành mũi nhọn, thúc đẩy đô thị hóa.
- Các chính sách cân bằng: Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, và đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội.
"Xây dựng Việt Nam thành một đất nước có nền kinh tế thịnh vượng, xã hội hài hòa và tương lai bền vững là khát vọng lớn lao của toàn dân tộc", khẳng định điều này, GS., TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: Khát vọng đó có thể thực hiện đến đâu, các mục tiêu phát triển về kinh tế, xã hội và môi trường có đạt được hay không, các định hướng chính sách có trở thành hiện thực để đi vào cuộc sống… tất cả phụ thuộc vào hành động của toàn dân tộc Việt Nam, trong đó nổi bật lên là vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo hướng đi chung vì một nền kinh tế thị trường theo hướng tạo lập phúc lợi và an sinh xã hội cho tất cả mọi người cũng như bảo đảm môi trường bền vững.