Thanh khoản dồi dào đang chảy từ đâu?

Theo Đức Mạnh/laodong.vn

Theo các chuyên gia, thanh khoản ấn tượng trong thời gian gần đây có sự hỗ trợ đắc lực từ dòng vốn ngoại, khối tự doanh công ty chứng khoán và nhà đầu tư trong nước. Giải ngân trong giai đoạn hiện tại được đánh giá là hợp lý.

Sau khi thủng đáy 16 tháng vào 6/7 vừa qua, tức vùng 1.150 điểm, VN-Index đã bật ngược vút lên với thanh khoản dần cải thiện. Tín hiệu tiền vào được thể hiện rõ nhất từ phiên 27/7. Tính riêng tuần gần nhất 1 - 5/8, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 19.442 tỷ đồng/phiên, tăng 38% so với tuần trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 43% lên mức 17.404 tỷ đồng/phiên.

Thanh khoản dồi dào giúp chỉ số VN-Index bứt phá 100 điểm, tức 8,6% từ đáy tháng 7 đến nay.
Thanh khoản dồi dào giúp chỉ số VN-Index bứt phá 100 điểm, tức 8,6% từ đáy tháng 7 đến nay.

Nhiều yếu tố hỗ trợ thanh khoản, từ trong nước đến quốc tế

Lý giải về diễn biến của thanh khoản, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích CTCK VNDirect chỉ ra hai nguyên nhân.

Thứ nhất là đến từ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân. Tính đến cuối quý II/2022, dòng tiền các nhà đầu tư gửi tại top 10 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường ở mức 50.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là lượng tiền mặt rất lớn đang sẵn sàng để tham gia thị trường ngay khi có cơ hội.

Thứ hai là trợ lực đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Dòng tiền ngoại đã trở lại mua ròng trên thị trường Việt Nam. Tính đến tháng 6, khối lượng mua ròng của khối ngoại đạt quanh 10.000 tỷ đồng. Trong 4 - 5 tuần gần đây, khối tự doanh của các công ty chứng khoán cũng khá tích cực trong việc xuống tiền trên toàn thị trường.

Bàn luận thêm, ông Trương Thái Đạt - Phó Giám đốc khối Phân tích CTCK DSC cho rằng nguyên nhân còn đến từ kỳ vọng về lãi suất mục tiêu cho cuối năm của Fed; thị trường chứng khoán thế giới hồi phục và quý II/2022 ghi nhận mức tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trung bình đạt 24%.

Nói về sự bền vững của thanh khoản, bà Khánh Hiền cho rằng còn phụ thuộc vào hai vấn đề. Dòng vốn của nước ngoài trong giai đoạn 3 năm hoặc 5 năm qua tương đối bền vững. Tuy nhiên, nếu định giá của thị trường dần trở nên đắt đỏ như trong giai đoạn năm 2020 hay 2021, dòng vốn này sẽ có sự chọn lựa và chuyển hướng sang những thị trường có định giá hấp dẫn.

Về dòng vốn của nhà đầu tư trong nước, bản chất thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm đa phần là giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân nên sẽ khó bền vững và bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những yếu tố từ bên ngoài cũng như những yếu tố nội tại trong nước. Tuy nhiên, nếu nhìn ra những tháng cuối năm sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi như lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt ở toàn cầu, Fed sẽ giảm cường độ tăng lãi suất.

Nếu Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cũng như Nghị định 153 sửa đổi được triển khai, thực thi kịp thời thì đây là hai yếu tố hỗ trợ cho thanh khoản có sự tăng trưởng ổn định trong những tháng cuối năm.

Chuyên gia bàn luận về thanh khoản của thị trường chứng khoán trong chương trình Talkshow phố tài chính (VTV8).
Chuyên gia bàn luận về thanh khoản của thị trường chứng khoán trong chương trình Talkshow phố tài chính (VTV8).

Giải ngân bây giờ là một phương án hợp lý

Vậy, trước nhịp hồi phục này nhà đầu tư nên hành động như nào?, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích Chứng Khoán VNDirect - chia làm hai trường phái đầu tư":

"Thứ nhất, về đầu tư giá trị, tôi vẫn tiếp tục đặt sự tin tưởng vào những cổ phiếu đầu ngành, những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh đặc thù ít chịu sự ảnh hưởng của những tác động bên ngoài và những doanh nghiệp có chi phí vốn rẻ trong bối cảnh lãi suất đang tăng, có định mức định giá hấp dẫn và có độ rủi ro giảm giá thấp.

Trường phái thứ hai là đầu tư tăng trưởng. Lựa chọn những cổ phiếu, doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao về mặt lợi nhuận trong thời gian tới. Tôi lựa chọn ra ba nhóm doanh nghiệp có mức tăng trưởng vượt trội trong 12 tháng tới là đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và nhóm liên quan đến sự phục hồi của dịch vụ", bà Khánh Hiền phân tích.

Sau đó xem xét những cổ phiếu có được tốc độ tăng trưởng trong quý II/2022 ấn tượng và áp dụng chiến lược đà tăng trưởng. Những nhóm cổ phiếu như ngân hàng với tốc độ hồi phục về lợi nhuận sau thuế đạt ở mức 33%, hay nhóm công nghệ thông tin cũng đã đạt được mức 39%, thậm chí nhóm dầu khí đạt trên 400%".

Đối với chiến lược đầu tư dài hạn sẽ quan sát những cổ phiếu có mức chiết khấu sâu. Do yếu tố chu kỳ và về hoạt động kinh doanh cốt lõi thì có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Chẳng hạn như nhóm ngành ngân hàng hay những cổ phiếu bán lẻ, điện, nước hay công nghệ.