Thành phố Tuyên Quang thu nội địa tăng 38% so với cùng kỳ
Năm 2016 Chi cục Thuế TP. Tuyên Quang được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thu ngân sách là 278,7 tỷ đồng. Theo báo cáo, tính đến 31/12/2016, tổng thu ngân sách nhà nước do chi cục quản lý đạt 365,8 tỷ đồng, bằng 124% dự toán UBND tỉnh giao, tăng 38% so với cùng kỳ.
Có 7/11 khoản thu do cơ quan thuế quản lý đạt trên 100% so với dự toán UBND tỉnh giao đó là: Thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 104%, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 103%, thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 223%, thu tiền sử dụng đất đạt 189%, thu lệ phí trước bạ đạt 102%, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 141%.
Có 4/11 khoản thu chưa đạt dự toán, trong đó thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 77%, thu tiền thuê mặt đất, mặt nước đạt 87% và thu phí, lệ phí tính cân đối đạt 64%.
Lãnh đạo Chi cục Thuế TP. Tuyên Quang cho biết, đạt được kết quả như trên là do chi cục đã thực hiện nghiêm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác thuế, xác định nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016.
Ngoài ra, các ngành chức năng tích cực phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu thuế, tích cực triển khai các giải pháp thu ngân sách của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh, cục thuế thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu ngân sách trên địa bàn, đánh giá phân tích cụ thể những yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu để tham mưu cho UBND chỉ đạo, điều hành thu ngân sách có hiệu quả.
Năm 2017, dự toán được giao của Chi cục Thuế thành phố là 350,9 tỷ đồng. Để đảm bảo hoàn thành dự toán thu, Chi cục Thuế TP. Tuyên Quang sẽ thực hiện rà soát, phân tích, đánh giá khả năng huy động của từng nguồn thu theo từng lĩnh vực, địa bàn và của các doanh nghiệ trọng điểm để phân công, giao nhiệm vụ thu phấn đấu cho các đội thuế; tổ chức phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao;
Rà soát, xác định tình trạng hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn để có biện pháp quản lý trong khai thuế; kiểm tra; cưỡng chế nợ thuế; phát hành, sử dụng hóa đơn...; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý đất đai... đưa hết vào diện quản lý thuế;
Đẩy mạnh kiểm tra thuế theo kế hoạch, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch, kết hợp kiểm tra các vi phạm về phát hành và sử dụng hoá đơn; tập trung các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; chống chuyển giá; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc chống buôn lậu và gian lận thương mại; đôn đốc nộp ngân sách đầy đủ số thuế truy thu qua kiểm tra, kiểm toán;
Tăng cường quản lý nợ và thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế; thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ cho từng công chức quản lý nợ ngay từ đầu năm; thường xuyên theo dõi và phân loại chính xác tình trạng nợ thuế của từng đối tượng để có biện pháp xử lý; phấn đấu đến cuối năm, bảo đảm tỷ lệ nợ đạt mức chỉ tiêu được giao.