Thanh tra Bộ Tài chính góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 27/6/2014, Thanh tra Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Đảng ủy Bộ Tài chính, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cùng toàn thể lãnh đạo, cán bộ công chức Thanh tra Bộ Tài chính.

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng trình bày báo cáo tại hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn
Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng trình bày báo cáo tại hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn

Báo cáo tại hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Văn Vượng cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm năm 2014 luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của ngành, tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự, được dư luận xã hội quan tâm, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ như: quản lý, bình ổn giá sữa trẻ em; công tác quản lý nợ công; công tác hoàn thuế Giá trị gia tăng... Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng chỉ đạo, định hướng đề ra.

Các cuộc thanh tra đã chú trọng nhiều hơn vào đánh giá những sơ hở, bất cập, để kiến nghị hoàn thiện về cơ chế chính sách; kiến nghị về tài chính tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong quá trình thanh tra có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành do đó chất lượng kiến nghị thanh tra được nâng lên, được các đơn vị nghiêm túc tiếp thu, thực hiện ngay khi đoàn thanh tra có ý kiến hoặc vừa kết thúc tại đơn vị. Kết quả thanh tra góp phần chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, từ đó tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị tham mưu giúp Bộ sửa đổi một số cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý tài chính – ngân sách.

Ông Trần Văn Vượng cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, tổng hợp kết quả từ các cuộc thanh tra đã lưu hành kết luận, Thanh tra Bộ đã đưa ra 163 kiến nghị, phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.350,4 tỷ đồng và 6.241.443 USD (trong đó: tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN):  670,2 tỷ đồng và 6.241.443 USD; giảm chi ngân sách: 610,5 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 69,7 tỷ đồng).

Kết quả thanh tra trên từng lĩnh vực cũng đã được ông Trần Văn Vượng báo cáo tại hội nghị, cụ thể: Đối với lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách địa phương, Thanh tra Bộ phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý và điều hành ngân sách như: Chưa ban hành đầy đủ định mức chi thường xuyên; chưa ban hành hoặc chưa điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên sát với giá thị trường; phê duyệt đơn giá cho thuê đất chưa kịp thời; trích nguồn cải cải cách tiền lương không đúng quy định. Quyết định đầu tư vượt quá khả năng nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương; bố trí kế hoạch vốn, huy động vốn để đầu tư còn chưa đúng quy định. Qua thanh tra, kiến nghị các địa phương hoàn trả ngân sách số tiền trên 153,9 tỷ đồng; giảm trừ quyết toán chi đầu tư xây dựng cơ bản trên 106,5 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực quản lý vốn đầu tư xây dựng tại các dự án đầu tư, kết quả thanh tra cho thấy, các đơn vị thực hiện phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của các dự án tăng rất lớn so với phê duyệt ban đầu. Lập, thẩm định phê duyệt tăng không đúng dự toán các gói thầu xây lắp và chưa đủ căn cứ do tính sai định mức, sai đơn giá, khối lượng xây lắp... vẫn còn phổ biến; công tác nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng giá trị khối lượng công việc hoàn thành vẫn còn xảy ra; đã phát hiện và kiến nghị xử lý 471,5 tỷ đồng (trong đó: giảm trừ dự toán, giá trị hợp đồng do ký tăng không đúng 373,7 tỷ đồng; giảm trừ giá trị khối lượng nghiệm thu, thanh quyết toán lần kế tiếp 97,9 tỷ đồng).

Đối với lĩnh vực quản lý tài chính tại các doanh nghiệp, Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện tình trạng sai phạm phổ biến là hạch toán không đúng kết quả sản xuất kinh doanh, hạch toán không đầy đủ doanh thu, tăng không đúng chi phí để giảm số thuế phải nộp... Thanh tra Bộ phát hiện nhiều sai phạm trong việc thực hiện quy định về ưu đãi đầu tư, kê khai, nộp thuế, dẫn đến nộp thiếu thuế số tiền trên 100 tỷ đồng và  6.241.443 USD; chưa thực hiện nộp tiền thu từ cổ phần hóa về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp số tiền trên 672, 8 tỷ đồng...

Đặc biệt, đối với lĩnh vực thanh tra theo chuyên đề về giá sữa tại 05 công ty sản xuất, kinh doanh sữa trẻ em dưới 6 tuổi chiếm thị phần chi phối tại Việt Nam, qua thanh tra cho thấy, trong những năm vừa qua các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa đều điều chỉnh tăng giá sữa mà không điều chỉnh giảm; các doanh nghiệp đều có lãi rất lớn (tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu bình quân từ 20 đến trên 30%); Chi phí dành cho quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị của các doanh nghiệp phát sinh lớn, vượt mức khống chế theo quy định của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng phát hiện 02 doanh nghiệp có dấu hiệu "chuyển giá" nhập khẩu thông qua các Công ty thương mại trung gian nước ngoài....

Căn cứ kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 01 công ty kê khai thiếu mặt hàng tăng giá; truy thu đối với 4 trong số 5 công ty số thuế kê khai thiếu phải nộp với số tiền 10,2 tỷ đồng; yêu cầu các doanh nghiệp rà soát tiết giảm chi phí để đảm bảo giá bán hạ xuống, đặc biệt là các khoản bất hợp lý về quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị với số tiền trên 386 tỷ đồng.

Còn đối với việc thanh tra theo chuyên đề tại 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, Thanh tra Bộ phát hiện thấy việc thực hiện đăng ký giá xăng dầu của các doanh nghiệp còn chưa đầy đủ; cả 5 doanh nghiệp đều hạch toán chưa đúng doanh thu, giá vốn, chi phí; có 4/5 doanh nghiệp kinh doanh lỗ… trích lập và sử dụng quỹ BOG xăng dầu không đúng số tiền trên 11,6 tỷ đồng; kiến nghị xử lý nộp vào NSNN đối với các doanh nghiệp kê khai không đúng số thuế phải nộp là 89,8 tỷ đồng…

Công tác xử lý sau thanh tra cũng đã được Thanh tra Bộ Tài chính chú trọng quản lý chặt chẽ, việc theo dõi, xử lý tài khoản tạm giữ và nộp NSNN được lãnh đạo Thanh tra Bộ chỉ đạo sát sao, đảm bảo trích nộp NSNN kịp thời, đúng quy định. Cụ thể: 6 tháng đầu năm 2014, các đơn vị được thanh tra đã thực hiện xử lý về tài chính trên 640,8 tỷ đồng đạt 55% (trong đó thu nộp NSNN: 213,8 tỷ đồng; giảm trừ dự toán: 310,7 tỷ đồng; giảm trừ quyết toán: 92,7 tỷ đồng; xử lý tài chính khác: 23,6 tỷ đồng); tính đến ngày 31/5/2014, tổng số kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước theo Quyết định thu là hơn 366 tỷ đồng; Các đơn vị đã thực nộp NSNN số tiền là hơn 257 tỷ đồng.

Trên cơ sở những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2014, Thanh tra Bộ Tài chính đã đề ra phương hướng thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014, cụ thể: Bám sát nhiệm vụ, kế hoạch được Bộ giao trong năm 2014 để tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai các đoàn thanh tra đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch. Nghiên cứu đề xuất, điều chỉnh bổ sung kế hoạch thanh tra cho phù hợp với tình hình thực tế; Tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để những kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục; Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và định hướng kế hoạch đối với các đơn vị thanh tra nội ngành; Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị trong ngành để đánh giá việc thực hiện pháp luật, quy trình, quy chế tại các đơn vị; Kết hợp thanh tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật và xử lý về tài chính với việc chú trọng tập trung nhiều hơn về công tác phát hiện, đánh giá những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách để kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện, ban hành; Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; không để khiếu kiện đông người, đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp; giải quyết đơn thư dứt điểm, thấu tình đạt lý; Duy trì thường xuyên, có hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, rút ngắn thời gian xử lý và thực hiện công khai kết quả khiếu nại, tố cáo của công dân.