Thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước: Kết quả năm 2017 và giải pháp triển khai năm 2018
Năm 2017, hệ thống Kho bạc Nhà nước bước sang năm thứ hai triển khai công tác thanh tra chuyên ngành tới các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Với hành lang pháp lý đầy đủ, đội ngũ công chức thanh tra phát triển cả về số lượng và chất lượng, được sự quan tâm ủng hộ của các bộ, ngành cùng với sự đồng thuận từ phía các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, công tác thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước năm 2017 đã đạt được những kết quả cao góp phần cùng toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kết quả công tác thanh tra chuyên ngành Kho bạc Nhà nước năm 2017
Thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2017 theo Quyết định số 2521/QĐ-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quyết định số 5348/QĐ-KBNN ngày 15/12/2016 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN), phát huy những kết quả đạt được từ công tác triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành năm 2015 và chính thức triển khai thanh tra chuyên ngành từ năm 2016, KBNN đã thực hiện thành công công tác thanh tra chuyên ngành năm 2017.
Qua công tác thanh tra chuyên ngành, năm 2017, hệ thống KBNN đã thực hiện được 310/310 cuộc thanh tra chuyên ngành, đạt 100% kế hoạch; phát hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhiều sai phạm; kiến nghị thu hồi nộp NSNN với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng; ban hành 56 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 165 triệu đồng. Đồng thời, KBNN đã kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những kẽ hở, rủi ro trong công tác quản lý, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính đối với các đơn vị sử dụng NSNN, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng NSNN.
Với mục tiêu của công tác thanh tra chuyên ngành KBNN là phát hiện, kiến nghị giúp các đơn vị sử dụng NSNN thấy được những tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý tài chính tại đơn vị, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách hiệu quả và đúng quy định pháp luật của Nhà nước, do đó đã tạo được sự đồng thuận cao từ các đơn vị sử dụng NSNN.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác thanh tra chuyên ngành KBNN trong năm 2017 đã gặp phải một số khó khăn, hạn chế sau:
Thứ nhất, về chế độ, chính sách đối với công chức thanh tra chuyên ngành.
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải đảm bảo những tiêu chuẩn chung về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra nói chung và chuyên môn theo từng lĩnh vực, ngành nói riêng, khi công chức thanh tra chuyên ngành thi hành công vụ phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật Thanh tra và các quy định pháp luật về thanh tra.
Thực tế hiện nay, lực lượng công chức thanh tra hệ thống KBNN khi chuyển thành công chức thanh tra chuyên ngành vừa phải song song thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nội bộ đối với các đơn vị trong hệ thống KBNN và nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị sử dụng NSNN. Với đặc thù là công chức thanh tra thuộc bộ phận tham mưu cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không phải là công chức thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước nên lực lượng này chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp trách nhiệm nghề nghiệp như đối với thanh tra viên.
Theo quy định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 27/01/2014, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành chỉ được hưởng chế độ bồi dưỡng với mức 80.000 đồng tính trên số ngày thực tế thanh tra tại nơi đơn vị đối tượng thanh tra. Đối với công chức chuyên môn được huy động tham gia các Đoàn thanh tra chuyên ngành không được hưởng chế độ bồi dưỡng này.
Thứ hai, về quy định giám sát đối với hoạt động của Đoàn Thanh tra chuyên ngành.
Việc thực hiện giám sát đối với hoạt động của Đoàn Thanh tra chuyên ngành được quy định tại Thông tư 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra chuyên ngành. Đây được coi là công cụ hữu hiệu và cần thiết để nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện còn bộc lộ những vướng mắc như chưa hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện hoạt động giám sát, việc lựa chọn cán bộ giám sát, lựa chọn tổ trưởng tổ giám sát đảm bảo hiệu quả công tác giám sát tránh việc thực hiện giám sát một cách hình thức.
Bên cạnh đó, trong điều kiện hạn hẹp biên chế, với cùng một thời điểm đơn vị phát sinh nhiều đoàn thanh tra chuyên ngành trong khi số lượng công chức thanh tra hạn chế, chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện giám sát đảm bảo phù hợp với thực tế lực lượng thanh tra tại các đơn vị KBNN.
Thứ ba, về quy định luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác.
Theo quy định tại Quyết định số 2650/QĐ-BTC ngày 15/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định danh mục vị trí công tác và thời gian luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức của Bộ Tài chính, trong đó quy định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành KBNN là 03 năm. Như vậy, việc quy định luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác thanh tra chuyên ngành không phù hợp với thực tế. Nguyên nhân là phải mất rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí để đào tạo bồi dưỡng, cấp chứng chỉ, cấp thẻ công chức thanh tra chuyên ngành để đáp ứng quy định về tiêu chuẩn của công chức thanh tra chuyên ngành; đồng thời phải có thời gian để công chức thanh tra chuyên ngành tích lũy kinh nghiệm thanh tra, xử lý tình huống trong quá trình thanh tra.
Mặt khác, số lượng các đơn vị sử dụng ngân sách là đối tượng thanh tra chuyên ngành KBNN từ Trung ương đến địa phương là rất lớn và nằm rải rác trên các địa bàn các xã, phường, quận, huyện, thành phố, trong khi đó, tổ chức bộ máy và công chức thanh tra chuyên ngành của hệ thống KBNN chỉ có ở Trung ương (Vụ Thanh tra - Kiểm tra) và ở cấp tỉnh (Phòng Thanh tra - Kiểm tra). So số lượng công chức thanh tra KBNN với số lượng đối tượng thanh tra chuyên ngành KBNN nêu trên thì lực lượng công chức thanh tra của hệ thống KBNN còn quá mỏng.
Bên cạnh đó, hiện nay, theo Thông tư số 10/2014/TT-TTCP ngày 24/11/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết danh mục vị trí công tác thanh tra của công chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước phải định kỳ chuyển đổi, trong đó quy định về thời hạn định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác thanh tra chuyên ngành của công chức trong các cơ quan thanh tra nhà nước là 5 năm. Như vậy, việc quy định luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác thanh tra chuyên ngành chưa thống nhất giữa các văn bản và chưa phù hợp với thực tế lực lượng công chức thanh tra tại đơn vị.
Thứ tư, về quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra chuyên ngành.
Theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 327/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào NSNN, chưa quy định cho đối tượng là các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được phép lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra chuyên ngành đã thực nộp vào NSNN.
Thứ năm, về công tác phối hợp xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán.
Từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như quá trình triển khai kế hoạch thanh tra hàng năm, hệ thống KBNN đã phối hợp với thanh tra các bộ, ngành, cơ quan kiểm toán nhà nước và các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trên địa bàn theo dõi, phối hợp xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Tuy nhiên, do thời điểm xây dựng kế hoạch của các cơ quan thanh tra, kiểm toán thường trùng với thời điểm xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành của KBNN, mặt khác một đơn vị sử dụng NSNN có thể là đối tượng thanh tra của rất nhiều cơ quan thanh tra, kiểm toán, gồm các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thanh tra hành chính, đến thanh tra chuyên ngành, thanh tra cấp trên, thanh tra địa phương. Vì vậy, mặc dù đã có sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm toán, song cũng không thể tránh khỏi có việc chồng chéo, trùng lặp đối tượng thanh tra dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra hàng năm.
Thứ sáu, về Sổ nhật ký Đoàn Thanh tra.
Theo quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-TTCP ngày 15/12/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về Sổ nhật ký Đoàn thanh tra, việc tổ chức in và phát hành Sổ nhật ký Đoàn thanh tra được giao cho Chánh Thanh tra bộ tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 08/2015/TT-TTCP đảm bảo điều kiện pháp lý cho các đoàn Thanh tra chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ.
Giải pháp triển khai công tác thanh tra chuyên ngành KBNN năm 2018
Để công tác thanh tra chuyên ngành KBNN năm 2018 và các năm tiếp theo đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa, cần thực hiện tốt những nội dung sau:
Thứ nhất, triển khai công tác thanh tra chuyên ngành theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra được Bộ Tài chính, KBNN phê duyệt; thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành có trọng tâm, trọng điểm và đúng luật, đúng quy chế, quy trình.
Thứ hai, tiếp tục rà soát kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra; xây dựng đội ngũ công chức thanh tra trong sạch, vững mạnh, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ và kỹ năng thanh tra đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp để xử lý chồng chéo trong công tác thanh tra giữa thanh tra các bộ, ngành, cơ quan kiểm toán nhà nước và các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trên địa bàn trong quá trình hoạt động, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành.
Thứ tư, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành KBNN trong thời gian tới.