Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ các giải pháp tài chính


Thời gian qua, nhằm khắc khục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Các giải pháp tài chính tài chính đã nhanh chóng phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận đánh giá cao của xã hội, góp phần tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, với những kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ phòng, chống dịch, Chính phủ còn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn để ổn định và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, ngay trong giai đoạn đầu, khi dịch Covid- 19 còn chưa diễn biến căng thẳng, phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN và người dân. Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất là quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/ CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: (i) Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; (ii) Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; (iii) Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; (iv) Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành Du lịch, hàng không; (v) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; (vi) Tập trung xử lý vướng mắc về lao động; (vii) Đẩy mạnh thông tin truyền thông.

Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trên, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực kể từ ngày ban hành và được áp dụng rộng rãi cho hầu hết DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19.

Đồng thời, hướng dẫn cụ thể, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Ước tính có 90.192 DN được gia hạn với tổng số tiền thuế được gia hạn là 26.261 tỷ đồng.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chủ động, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản miễn, giảm thuế, phí, lệ phí như: Miễn lệ phí môn bài đối với nhiều đối tượng; miễn thuế nhập khẩu kịp thời đối với nguyên liệu sản xuất và một số mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh; giảm nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao (giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN); Thực hiện điều chỉnh giảm giá 10-50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn giá đối với 6 nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán...

Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, trong đó, đề xuất điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 09 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng. Theo đó sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi từ chính sách được đề xuất này, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế TNCN phải nộp năm 2020. Tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để chi tiêu thêm nhờ việc điều chỉnh này trong năm 2020 khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng.

Song song với việc triển khai các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính cũng triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do Covid-19 với tổng kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ được áp dụng cho nhiều đối tượng người lao động, hộ kinh doanh cá thể, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Đặc biệt, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là các DN siêu nhỏ, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN) cho một số DN theo tiêu chí về doanh thu và lao động thuộc nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ.