Tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công: Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương cần tập trung làm tốt trong năm 2022 chính là giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Quyết liệt trong chỉ đạo
Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng trên, ngay từ những tháng đầu năm, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng cơ bản. Theo đó, công tác này được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung triển khai thực hiện rất quyết liệt, nhằm thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công.
Cụ thể, UBND tỉnh Bạc Liêu đã giao Sở KH-ĐT phân bổ và thông báo vốn đến các chủ đầu tư ngay từ đầu năm. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các ngành, các cấp trong tỉnh, các chủ đầu tư nghiêm túc tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện thi công các công trình, giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2022.
Song song đó, kiện toàn Tổ công tác giải quyết, tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh, nhằm xem xét, đánh giá và ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các dự án trên địa bàn; tổ chức hội nghị chuyên đề về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo định kỳ; khảo sát thực tế tại các công trình, dự án nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, các chủ đầu tư cũng đã chủ động hơn trong triển khai thực hiện, tình hình giải ngân có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tính đến tháng 7/2022, vốn đầu tư công chỉ giải ngân được 1.104.575/3.268.411 triệu đồng, đạt tỷ lệ 33,8%.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhưng nhìn một cách tổng thể thì ngoài những nguyên nhân mang tính khách quan như vướng công tác giải phóng mặt bằng, giá vật liệu xây dựng tăng được xem là 2 nguyên nhân bất khả kháng, còn các nguyên nhân khác gần như có thể khắc phục được. Đó là việc quản lý và kiểm tra tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính trong công tác xây dựng cơ bản lâu nay ở một số nơi còn chưa được quan tâm.
Mặc dù trong luật quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở từng khâu đã nêu rất cụ thể, nhưng chưa có ai giám sát và xử lý các vi phạm này. Vì vậy, có nhiều hồ sơ bị ngâm hoặc không thể thanh quyết toán, gây khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Cũng như triển khai dự án cho những giai đoạn tiếp theo, đặc biệt Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo là sẽ xử lý nghiêm các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, có tỷ lệ giải ngân thấp, nhưng đến nay vẫn chưa thấy chủ đầu tư nào bị xử lý!? Ngoài ra, lựa chọn và đánh giá đúng năng lực nhà thầu cũng là giải pháp quan trọng quyết định đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và quyết tâm giải ngân đạt trên 90%, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư. Rà soát, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư công, đất đai, xây dựng và pháp luật có liên quan theo hướng phân cấp, đơn giản hóa thủ tục. Đồng thời rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân và cả hiệu quả đầu tư.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm. Thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá…