Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022
Kết luận phiên thảo luận sáng ngày 01/6 về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH của đất nước. Trong đó, đã đề cập nhiều đến vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong buổi sáng đã có 29 ý kiến phát biểu, các ý kiến phát biểu rất trách nhiệm, sâu sắc, nội dung chủ yếu tập trung vào đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH của đất nước.
Các ý kiến phát biểu rất trách nhiệm, sâu sắc, nội dung chủ yếu tập trung vào đánh giá và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH của đất nước. Trong đó có đề cập nhiều đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia, các giải pháp về phát triển kinh tế, du lịch, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, bình ổn giá...
Quan tâm tới vấn đề đầu tư công, đại biểu Trần Tuấn Anh - Đoàn đại biểu tỉnh Bình Phước bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Tuấn Anh cũng cho rằng thời gian qua, đầu tư công luôn tồn tại nghịch lý, đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai và kéo theo chậm giải ngân. Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành "căn bệnh nhức nhối" không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước.
Theo đại biểu Trần Tuấn Anh, nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do các Bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công. Khi được phân bổ từ Trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc dẫn đến chậm trong phân bổ vốn cho dự án; công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường trước những khó khăn và việc lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực...
Nhấn mạnh hiện nay có nhiều "chiêu thức" để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu quen biết, đại biểu Trần Tuấn Anh đề nghị phải minh bạch trong lựa chọn nhà thầu để xử lý dứt điểm tình trạng này, đồng thời kiến nghị, đối với các dự án đầu tư công cần linh hoạt cho phép chỉ định thầu, rút ngắn thời gian, lựa chọn nhà thầu có năng lực, có uy tín theo từng dự án.
Đối với quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Quốc hội cần xem xét, sửa hoặc ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững KT-XH của đất nước.
Đại biểu Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khơi thông các dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Có đủ chế tài đối với tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công để không còn điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Có cùng quan điểm, Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam cho rằng, những tháng đầu năm 2022, KT-XH nước ta đã có nhiều khởi sắc, thể hiện rõ xu hướng phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, đồng thời dự báo những tháng còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo còn không ít những khó khăn, thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới nhưng mặt trái của cơ chế thị trường.
Đồng thời, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công bởi đây đang là điểm nghẽn trong phát triển KT-XH bên cạnh điểm nghẽn về cơ chế chính sách. Hiện nay, nhu cầu vốn cho nền kinh tế khá lớn, nhu cầu phục hồi rất cấp bách, xong việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 còn rất thấp. Đây là vấn đề tồn tại bấy lâu nay mà cử tri và doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm...
Có ý kiến về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch, theo đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021.
"Đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85 %, nhiều bộ, ngành đạt dưới 20%. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý. Điều này làm phát sinh khoản chi ngân sách Nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay phải chịu lãi suất phí quản lý, do đó, vấn đề giải ngân chậm tiến độ, chậm sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn", đại biểu Tạ Thị Yên phân tích.
Đại biểu Tạ Thị Yên mong muốn tới đây cần tăng cường kiểm soát để chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công để từ đó, các quyết sách của Nhà nước thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được sự mong đợi của người dân...
Chiều ngày 01/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung cho ý kiến vào những vấn đề quan trọng như những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH. Trong đó đánh giá bối cảnh thế giới năm 2022 tác động tới KT-XH trong nước, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp ngắn hạn cho những tháng còn lại của năm 2022 và dài hạn cho giai đoạn 2021-2025; những yếu tố thuận lợi, khó khăn và cách thức giải quyết các vấn đề còn hạn chế. Đồng thời đánh giá sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 định hướng và một số nội dung chính cần quan tâm khi xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong thời gian tới.