Tháo gỡ “nút thắt” cho tình trạng khan hiếm xăng dầu


Các chuyên gia nhận định, tình trạng khan hiếm xăng dầu diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong những ngày gần đây là do các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiệp cận tín dụng ngân hàng để nhập hàng. Đây là nguyên nhân chính khiến nguồn cung xăng dầu “đứt gãy” cục bộ, đồng thời nó cũng gây nhiều khó khăn cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cả nước.

Làm rõ tình trạng khan hiếm xăng dầu

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp (DN) phân phối và 36 DN nhập khẩu xăng dầu (đầu mối), nhưng thị trường vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu trong thời gian qua.  

Lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 5/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn cung xăng, dầu thế giới ngày càng khan hiếm, bởi châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng thu mua lượng dầu hiện có từ các nguồn cung chính là OPEC+ và Nga. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu được xăng, dầu như đồng USD và Euro liên tục thay đổi theo xu hướng tăng.

Ngoài ra, một số khó khăn khác tác động đến thị trường xăng dầu là do việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của các DN đầu mối và thương nhân phân phối; nhiều DN không đáp ứng được điều kiện vay và bảo lãnh của các ngân hàng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những khó khăn trên khiến nguồn cung thị trường xăng dầu trong nước bị “đứt gãy” cục bộ ở một số nơi, nhất là ở những thành phố lớn tập trung đông dân cư.

Phân tích thêm về thực trạng thị trường, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ là do từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn.

Mặt khác, do thua lỗ nên nhiều DN đã thực hiện giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Yếu tố tác động khác là do tín dụng bị thắt chặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND đều tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước (do giá tăng gấp 2- 3 lần giá các năm trước) nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của DN theo quy định.

Một nguyên nhân khác khiến DN hạn chế lượng nhập khẩu nhằm giảm thua lỗ là do chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao, trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành. 

Ở góc độ khác, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thời kỳ giá xăng dầu thế giới tăng cao, chúng ta đã điều tiết rất tốt, không cửa hàng nào thiếu xăng dầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, giá xăng dầu thế giới không tăng quá cao, nguồn cung cũng không phải quá khan hiếm, nhưng trong nước lại xảy ra tình trạng cung ứng nhỏ giọt xăng dầu.

“Lỗi không phải do nguồn cung thế giới, do chúng ta không nhập được xăng dầu, mà là do cơ chế điều hành chưa phù hợp. Cụ thể, chi phí chiết khấu cho các nhà bán lẻ quá thấp, thậm chí, nhiều nhà bán lẻ không có chi phí này, mà chỉ đầu mối cung cấp mới có. Khi nhà bán lẻ không có chi phí chiết khấu, càng bán càng lỗ, thì đương nhiên họ sẽ không “mặn mà” với việc bán hàng”- Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường lý giải.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nguồn xăng dầu nhập khẩu trong quý III/2022 của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu giảm mạnh. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, trong quý III/2022, sản lượng nhập khẩu xăng giảm đến 40%, dầu diesel giảm 35% so với quý II/2022.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, chỉ có 19/33 DN đầu mối xăng dầu nhập khẩu, còn lại không thấy nguồn hàng nhập khẩu về nước. Trong đó, thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng quý III cũng không nhập, đơn cử như Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil...

Chủ động vào cuộc, kịp thời gỡ “nút thắt” cho DN

Để tháo gỡ những “nút thắt” về nguồn vốn tín dụng, chi phí định mức đang được coi là rào cản chủ yếu gây ra tình trạng khan hiếm xăng dầu trên thị trường, mới đây, các cơ quan có thẩm quyền đã có hàng loạt động thái vào cuộc với những giải pháp cụ thể để sớm ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

Đối với nguồn vốn tín dụng, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào cuộc tháo gỡ khó khăn cấp tín dụng cho 16 DN kinh doanh xăng dầu đầu mối được cấp phép nhập khẩu xăng dầu.

Trước đề nghị này, ngày 8/11/2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng ký Công bản số 7881/NHNN-TD gửi Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc yêu cầu các ngân hàng quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu...

Nhằm tháo gỡ kịp thời “điểm nghẽn” về chi phí định mức để tính giá cơ sở đối với xăng dầu, ngày 8/11/2022, Bộ Tài chính có Công văn số 11575/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương - đơn vị chủ trì điều hành giá xăng dầu trong nước nghiên cứu áp dụng về việc chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương thông báo về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) như sau: Xăng nền để phối trộn xăng E5RON92: 640 đồng/lít; Xăng RON95: 1.280 đồng/lít; Dầu điêzen 0,05S: 730 đồng/lít; Dầu hỏa: 1.740 đồng/lít; Dầu madut 180cst 3,5S: 1.290 đồng/kg. Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11/2022.

Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, do tính chất của khoản chi phí này phụ thuộc vào khâu tổ chức vận hành của cả hệ thống từ công ty mẹ đến các đơn vị trực thuộc và một số tác động từ chính sách (lương, tiền thuê đất, tỷ giá...) nên phải sau khi năm tài chính kết thúc mới phản ánh được đầy đủ và mới có đủ cơ sở để rà soát đánh giá diễn biến...

Đánh giá cao tinh thần vào cuộc khẩn trương của các cơ quan có thẩm quyền, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, các bộ, ngành đã vào cuộc xử lý hầu hết các kiến nghị của DN kinh doanh xăng, dầu theo đúng chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.

“Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đánh giá cao vai trò của liên Bộ Công Thương - Tài chính đã báo cáo Chính phủ và điều chỉnh sớm chi phí tạo nguồn, thay vì chờ hết thời hạn 6 tháng theo những quy định trước đây, nhằm tính đúng, tính đủ cho DN trong công thức giá cơ sở xăng dầu”, ông Bùi Ngọc Bảo cho hay.

Minh Hà (T/h)