Tháo gỡ vướng mắc tại dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình


Sau gần 6 năm thi công, qua 2 lần giãn thời gian về đích, Dự án đầu tư xây dựng đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình vẫn gặp nhiều vướng mắc chờ tháo gỡ.

Đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình hơn 3.700 tỷ gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình hơn 3.700 tỷ gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài xấp xỉ 30 km. Trong đó, có 20,7 km qua TP. Hải Phòng, còn lại là trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Dự án được UBND TP. Hải Phòng phê duyệt, điểm đầu tại nút giao đường tỉnh 353 thuộc quận Đồ Sơn (TP. Hải Phòng), điểm cuối trên Quốc lộ 37 mới, khớp nối với dự án đường ven biển qua địa phận huyện Thái Thụy (Thái Bình).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.768 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước là 720 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Hải Phòng. Phần vốn đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng do nhà đầu tư đảm nhiệm gồm vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng và vốn vay hơn 2.100 tỷ đồng.

Dự án đã được khởi công vào tháng 6/2018 và dự kiến sẽ thông xe toàn tuyến vào tháng 5/2023, thu hồi vốn qua thu phí 23 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa thể hoàn thành.

Được biết, dự án do nhà đầu tư là Liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1- CTCP và CTCP Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ huy động vốn chủ sở hữu cộng với vốn vay và vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Doanh nghiệp được chủ đầu tư giao trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hải Phòng, dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình thực hiện theo hình thức BOT. Do khó khăn về vốn nên dự án đã bị chậm tiến độ, không thể hoàn thành vào cuối năm 2020, nên đã được gia hạn thời gian hoàn thành thi công xây dựng đến ngày 30/6/2023. Hiện giá trị thi công mới đạt 70% so với hợp đồng.

Nguyên nhân chậm tiến độ một phần do trước đó ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, trong quá trình thi công, các nhà thầu gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát và giá các loại nguyên vật liệu tăng cao. Cụ thể, giá cát thời điểm ký hợp đồng chỉ khoảng 95.000 đồng/m3 thì thời điểm này đã tăng lên tới trên 200.000 đồng/m3, nhưng nguồn cung cấp cát san lấp cũng rất khan hiếm.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai Dự án đường ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình, được cho là gặp vướng mắc liên quan đến áp dụng quy định về lãi suất vốn vay dẫn đến có sự chênh lệch lớn giữa lãi suất doanh nghiệp dự án phải hạch toán với bên cho vay và lãi suất được quyết toán theo quy định của hợp đồng BOT.

Với việc chưa điều chỉnh lãi suất vốn vay được cho là sẽ dẫn đến rủi ro lớn cho chủ đầu tư Dự án đường ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình. Bởi vậy, chủ đầu tư đã có văn bản về việc dừng thực hiện Hợp đồng BOT số 68/HĐ.BOT cho đến khi các bên thương thảo, đàm phán điều chỉnh lãi suất vốn vay, nguyên tắc xác định vốn vay.

Được biết, liên quan đến vấn đề này, hiện UBND TP. Hải Phòng đã có báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh lãi suất vốn vay Hợp đồng BOT Dự án đường ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 và Khoản 3, Điều 26 Thông tư số 88/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo Báo Công Thương