Thấy lạ thì cấm?

Theo TBKTSG

Thời gian gần đây, một số lệnh cấm được các cơ quan chức năng đưa ra khiến các ngân hàng thương mại lúng túng trong việc đáp ứng các nhu cầu phát sinh trong thực tế.

Từ trước tết Nguyên đán Kỷ Sửu, Ngân hàng Đông Á đã triển khai dịch vụ ATM lưu động, được xem là một giải pháp linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho người xài thẻ ATM.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết, vào những dịp lễ tết, khi nhu cầu rút tiền mặt của công nhân ở các khu công nghiệp tăng cao, với xe ATM lưu động ngân hàng sẽ giúp giải quyết phần nào nhu cầu trên.

“Không lẽ ngân hàng lắp thêm bốn cái máy ATM nữa chỉ để phục vụ cho vài dịp nhu cầu tăng đột biến trong năm”, ông Bình giải thích.

Sau khi Ngân hàng Đông Á cho ra đời dịch vụ mới này, một số ngân hàng khác cũng đã triển khai thí điểm dịch vụ này để nâng cao tính cạnh tranh của mình.

Thế nhưng mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn nêu rõ chưa chấp thuận đề nghị của các ngân hàng thương mại triển khai áp dụng loại hình ATM lưu động với l‎ý do: trong quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại không có quy định về ATM lưu động. Do đó, NHNN yêu cầu Ngân hàng Đông Á và những ngân hàng đang thực hiện thí điểm dịch vụ này chấm dứt ngay việc sử dụng ATM lưu động.

Việc này làm nhiều người nhớ đến chuyện ngân hàng lập sàn vàng. Trước thực tế nhiều nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư vàng, nhiều ngân hàng và công ty chứng khoán lập sàn giao dịch vàng. Nhưng do chưa có quy định rõ ràng cho hoạt động kinh doanh này, nên NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấm các ngân hàng và công ty chứng khoán thực hiện cho đến khi có quy chế quản l‎ý. Mà quy chế này thì đã được nghiên cứu gần cả năm rồi nhưng vẫn chưa có.

Một vài chuyên gia pháp luật qua các vụ việc trên đã bình luận rằng, lẽ ra trước những nhu cầu phát triển của xã hội và nếu những nhu cầu đó chính đáng thì các cơ quan quản lý nên nhanh chóng có những điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho nhu cầu đó được đáp ứng đúng đắn, hơn là chỉ đơn giản ra lệnh cấm để dễ dàng cho việc quản lý.

Thực tế cho thấy khi thị trường phát sinh nhu cầu thì dù có lệnh cấm như thế nào thì vẫn có cách thức "lách" lệnh cấm để đáp ứng nhu cầu đó.

Chẳng hạn, năm 2008 khi giá đô la Mỹ ngoài thị trường chợ đen tăng cao so với giá niêm yết của ngân hàng (bị khống chế bởi NHNN), các ngân hàng đã tính thêm các loại phí khi bán đô la Mỹ cho doanh nghiệp để nâng khoản thu lên bằng với giá thị trường vì ngân hàng không thể mua đô la với giá bằng giá niêm yết; sau đó NHNN đã nghiêm cấm các hình thức thu phí.

Ngân hàng lại nghĩ ra cách bán đô la Mỹ thông qua ngoại tệ thứ ba thì tính ra giá đô la Mỹ vẫn bằng giá thị trường tự do và tiếp tục bị cấm.

Đến đầu năm nay, khi tình trạng khan hiếm ngoại tệ tại các ngân hàng tái diễn, các ngân hàng lại nghĩ ra cách khác để lách luật là ký hợp đồng quyền chọn đồng Việt Nam và đô la Mỹ nhưng giao ngay cho doanh nghiệp và tính phí.

Đây là một dạng sản phẩm phái sinh nhằm bảo vệ doanh nghiệp tránh rủi ro tỷ giá và cũng là một cách để lách quy định. NHNN ban đầu ra công văn cấm việc kết hợp các sản phẩm phái sinh để bán đô la Mỹ cao hơn giá quy định. Vài ngày sau, NHNN lại có văn bản cấm thực hiện các sản phẩm phái sinh để chờ quy định cụ thể…

Không thể nào kể hết những cách thức của các ngân hàng lách quy định của NHNN để có thể kinh doanh theo đúng nhu cầu thực tế phát sinh của thị trường. Và cứ mỗi khi phát hiện việc lách luật đó, thì cách nhanh nhất NHNN làm đó là cấm và đợi hướng dẫn cụ thể.

Tất nhiên, thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm đòi hỏi những qui định chặt chẽ, hợp lý được ban hành theo những trình tự có cân nhắc kỹ càng. Nhưng những qui định ra đời quá chậm trước những nhu cầu phát sinh trong thực tế, đó mới là điều mà các ngân hàng lo ngại.