Thế giới nỗ lực cắt giảm khí thải trong lĩnh vực giao thông vận tải

Theo Lan Anh (T/h), https://kinhtemoitruong.vn

Một số quốc gia và công ty vừa công bố kế hoạch ngừng bán ô tô chạy bằng xăng hoặc dầu diesel trong 2 thập kỉ tới, như một phần của nỗ lực nhằm hạn chế đáng kể lượng khí thải làm nóng hành tinh.

Phương tiện giao thông là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. (Ảnh minh họa).
Phương tiện giao thông là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. (Ảnh minh họa).

Bên lề hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow, Scotland, một nhóm các quốc gia cho biết họ chỉ bán các loại xe không phát thải vào năm 2040 và không muộn hơn vào năm 2035 tại các thị trường ô tô hàng đầu.

Kế hoạch này được các nước bao gồm Canada, Chile, Đan Mạch, Ấn Độ, Ba Lan, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh ủng hộ. Một số bang và thành phố của Mỹ cũng đã ký kết, cũng như các nhà sản xuất ô tô lớn Ford, General Motors, Mercedes Benz và Volvo.

Theo đó, những tác động của các kế hoạch này có thể sẽ bị hạn chế vì một số thị trường xe hơi lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không tham gia vào các cam kết và nhận được phản ứng trái chiều từ các nhà vận động môi trường.

Một số công ty, trong đó có Volvo đã cam kết thực hiện các mục tiêu loại bỏ động cơ đốt trong sớm hơn. Theo đó, động thái đáng hoan nghênh này cho thấy ngày càng nhiều quốc gia, nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp dịch vụ vận tải đang tham gia thúc đẩy toàn cầu sử dụng xe điện 100% không khí thải.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), phương tiện giao thông là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Báo cáo gần đây của cơ quan này cho thấy việc bán ô tô động cơ đốt trong, loại chạy bằng xăng và dầu diesel cần phải được loại bỏ dần vào năm 2035 để đảm bảo các mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris vào năm 2015 về hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C có thể được đáp ứng.

Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô Mỹ trước đây đã cam kết tăng đáng kể sản lượng ô tô điện và một gói cơ sở hạ tầng mới khổng lồ cung cấp 7,5 tỉ USD tài trợ liên bang để xây dựng mạng lưới các trạm sạc.

Việc tạo ra cơ sở hạ tầng để đáp ứng đủ nhu cầu sạc điện của người sử dụng là một trở ngại lớn mà các công ty và chính phủ đang phải đối mặt trong việc thuyết phục người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe chạy bằng điện.

Nhưng Bjorn Annwall, Giám đốc tài chính của Volvo lại cho rằng đây là một vấn đề có thể giải quyết được. Nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Thụy Điển cho biết khách hàng của họ đang yêu cầu Volvo dẫn đầu trong việc cắt giảm lượng khí thải. Và công ty đang đặt mục tiêu ít nhất một nửa doanh số xe bán được vào năm 2025 là xe chạy hoàn toàn bằng điện và tất cả vào năm 2030.

Trong khi đó, Daimler Truck AG, nhà sản xuất xe tải lớn nhất thế giới và tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies tuyên bố rằng họ sẽ hợp tác cùng nhau trong việc triển khai hoạt động vận tải sử dụng khí hydro không khí thải trên khắp Tây Âu trong những năm tới.

Về hàng không, khoảng 20 quốc gia cho biết sẽ hợp tác cùng nhau để giảm lượng khí thải từ việc di chuyển bằng máy bay xuống mức bằng không (Net zero) vào năm 2050, bao gồm cả việc thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu bền vững. “Net zero” được hiểu là chỉ tạo ra lượng khí thải có thể được hấp thụ trở lại thông qua các phương tiện tự nhiên hoặc nhân tạo.

Tuy nhiên, nhiều nhà môi trường cho rằng các quốc gia này nên cắt giảm các chuyến bay và tăng cường đầu tư vào các lựa chọn với đường sắt và du lịch xanh hơn.

Trong bối cảnh đó, có đến 20 hãng hàng không đã công bố kế hoạch sử dụng máy bay chạy bằng động cơ điện, hydro hoặc hybrid trên 30% đội bay được sử dụng cho các chuyến bay đường ngắn vào năm 2030. Bao gồm: Air New Zealand, Alaska Airlines, easyJet và Southern Airways Express, khai thác hơn 800 chuyến bay với hơn 177 triệu hành khách mỗi năm.

Và các đại diện lớn của ngành công nghiệp hàng hải đã kêu gọi tài trợ cho nghiên cứu công nghệ động cơ đẩy tàu sạch. Hàng loạt các thông báo về khí thải giao thông diễn ra theo khuôn mẫu tại các cuộc đàm phán về khí hậu năm nay, nơi mà nước chủ nhà Anh đưa ra các thỏa thuận không phải là một phần của các cuộc đàm phán chính thức - một thực tế bị chỉ trích bởi một số nhà vận động môi trường.

Theo đánh giá của Achim Steiner, người đứng đầu Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc, việc thúc đẩy các phương tiện giao thông sạch là điều cần thiết nếu thế giới muốn cắt giảm lượng khí thải theo hướng bền vững, không để các quốc gia nghèo bị tụt hậu.

Ông cũng cho biết, hiện Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 250 triệu xe máy điện, loại xe đặc biệt thu hút người dân ở các nước đang phát triển. Đặc biệt, tại Kenya, quốc gia từ lâu đã cấm nhập khẩu xe cũ để tránh trở thành bãi rác cho những tác nhân gây "ngốn xăng" của các quốc gia giàu có.