Thêm hàng chục nghìn tỷ đồng vốn rẻ sẵn sàng giải ngân

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Với kỳ vọng kích được cầu về tín dụng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm nay, ngoài việc giảm lãi suất, các ngân hàng cũng đang chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp để tiếp thị nguồn vốn ưu đãi. Mặc dù vậy, dòng vốn ngân hàng thực tế chảy vào doanh nghiệp (DN) vẫn rất… nhỏ giọt.

Phải kiểm soát rủi ro nợ xấu gia tăng, chứ không nên chạy theo chỉ tiêu. Nguồn: internet
Phải kiểm soát rủi ro nợ xấu gia tăng, chứ không nên chạy theo chỉ tiêu. Nguồn: internet

Thêm 8.300 tỷ đồng vốn rẻ sẵn sàng giải ngân…

Thay vì phải sử dụng tiền ngân sách như gần 10 năm trước để hỗ trợ vốn lãi suất thấp cho các DN tham gia chương trình bình ổn hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, kể từ năm 2013, các NHTM trên địa bàn đã chủ động dùng vốn huy động của mình để tham gia cung ứng vốn giá rẻ cho các DN, nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng.

Trong khuôn khổ sơ kết Chương trình hợp tác thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đông -Tây Nam bộ năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014 diễn ra ngày 11/4 tại TP. Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo của UBND và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP. Hồ Chí Minh, đã có 8 ngân hàng thương mại (NHTM) (Sacombank, Eximbank, HDBank, MBBank, DongA Bank, Agribank, BIDV và VietinBank) ký hợp đồng tín dụng với các DN để giải ngân tổng số vốn lên đến 8.300 tỷ đồng, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường, hàng hóa nhất là trong dịp Tết cổ truyền cuối năm nay. Lãi suất cho vay ngắn hạn của chương trình bình ổn nói trên chỉ dao động từ 5,5 - 6%/năm, còn lãi suất cho vay trung, dài hạn là 7 - 10%/năm tùy từng DN.

Đồng thời, trong năm nay, NHNN TP. Hồ Chí Minh tiếp tục kêu gọi các NHTM đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN, với số vốn giải ngân dự kiến đến 20.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay không quá trần quy định 8%/năm của NHNN đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Còn mức lãi suất phổ biến được áp dụng cho chương trình này vào khoảng 8 - 9%/năm.

Tính từ đầu năm đến nay, các NHTM trên địa bàn Thành phố cũng đã ký giải ngân được hơn 3.000 tỷ đồng cho các DN sản xuất, kinh doanh từ chương trình này.

HDBank cho biết, Ngân hàng sẽ giải ngân gói vốn 1.000 tỷ đồng trong chương trình ổn định thị trường hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh năm nay, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ 5,5 - 6%/năm.

Tương tự, Sacombank dành 1.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi (trong đó 500 tỷ đồng cho DN tham gia bình ổn thị trường và 1.000 tỷ đồng cho đơn vị cung ứng cho DN bình ổn), lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6%/năm.

Eximbank, MBBank, BIDV, DongA Bank… cũng dành ngân khoản trên dưới 2.000 tỷ đồng để tham gia chương trình trên.

Nguồn vốn dồi dào với lãi suất huy động đã giảm nhiều là điều kiện để các ngân hàng có thể tích cực tham gia các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, do Ngân hàng huy động được nhiều nguồn vốn giá rẻ nên việc đẩy mạnh tham gia các chương trình bình ổn, kích cầu là cần thiết để có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng.

Vẫn quá sớm để nói ngân hàng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Mặc dù ngành ngân hàng đang từng bước nỗ lực để khơi thông dòng chảy tín dụng, song do sức hấp thu vốn của DN còn yếu nên chưa thể kỳ vọng tín dụng sẽ cải thiện mạnh. Thực tế, nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp hiện nay cũng chỉ mới đến được với các DN kinh doanh hiệu quả, có dự án khả thi. Các DN đang lâm vào tình cảnh nợ xấu còn khó tiếp cận được vốn vay thông thường, huống hồ là vốn rẻ.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, một trong các DN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình bình ổn hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh, cho biết, chương trình này đã giúp Vissan tiết kiệm được rất nhiều chi phí về lãi vay.

Tuy nhiên, không có nhiều DN có được thị phần và hiệu quả kinh doanh như Vissan, đồng nghĩa với xác suất được ngân hàng cung vốn lãi suất thấp không cao. Trong khi đó, nhiều DN nghiệp khác có điều kiện tiếp cận nguồn vốn này như Vissan lại không có nhu cầu vay thêm.

Vấn đề ở đây, không gì khác, vẫn là tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, mà chỉ giải pháp hạ lãi suất thôi là không đủ để giải quyết.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, một khi sức mua chưa được cải thiện, hàng hóa không được lưu thông thì DN còn khó trả nợ, nghĩa là chưa thể và cũng không có nhu cầu tiếp cận vốn mới. Do đó, tín dụng chỉ có thể tăng trưởng khi sức mua được cải thiện.

Đánh giá về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay (12 - 14%), chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, không khó để thực hiện được. Nhưng điều quan trọng hơn vẫn là chất lượng khoản vay như thế nào để kiểm soát rủi ro nợ xấu gia tăng, chứ không nên chạy theo chỉ tiêu. Bởi theo ông Sơn, sức hấp thu vốn của DN hiện vẫn rất yếu.