Tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết: Thực trạng và kiến nghị
Dựa vào các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ròng và khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu của một số ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bài viết phân tích khả năng sinh lời của các ngân hàng. Từ đó, các nguyên nhân và giải pháp cũng được rút ra để giúp các ngân hàng có thể đưa ra chiến lược phát triển bền vững, ổn định trong xu thế hội nhập quốc tế.
Từ cơ sở lý thuyết
Việc phân tích Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ròng (ROA) và khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) để đánh giá khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ giúp nhà quản lý nắm được thực trạng hiệu quả tài chính cũng như năng lực tài chính, từ đó, thực hiện cơ cấu lại hệ thống ngân hàng một cách khoa học, tiến đến phát triển bền vững và duy trì khả năng cạnh tranh với các tổ chức tài chính quốc tế trong tương lai.
- ROA là chỉ số lợi nhuận cho biết lợi nhuận ròng công ty đạt được từ một đồng đầu tư vào tổng tài sản.
ROA |
= |
Lợi nhuận ròng |
x |
100% |
Tài sản có bình quân |
Đây là thước đo hiệu quả sử dụng tài sản của ngân hàng vì mọi tài sản đều là những khoản đầu tư. Một mức ROA thấp là kết quả của một chính sách đầu tư hay cho vay không hiệu quả hoặc chi phí hoạt động của ngân hàng quá mức. Ngược lại, mức ROA cao phản ánh ngân hàng sử dụng một cơ cấu tài sản hợp lý, chính sách kinh doanh và đầu tư tài sản hiệu quả.
- ROE là chỉ số lợi nhuận cho biết lợi nhuận ròng công ty đạt được từ một đồng vốn chủ sở hữu.
ROE |
= |
Lợi nhuận ròng |
x |
100% |
Vốn chủ sở hữu bình quân |
Đây là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của vốn chủ sở hữu, nó cho biết một đơn vị tiền tệ vốn chủ sở hữu bỏ tạo ra được bao nhiêu đơn vị lợi nhuận ròng. ROE cao là mục tiêu tìm kiếm của bất kỳ người chủ sở hữu ngân hàng nào.
Các chỉ tiêu ROA, ROE thường được các nhà quản trị, các nhà đầu tư sử dụng khi đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, chúng thể hiện khả năng, thời hạn thu hồi vốn đầu tư của chủ sở hữu. Hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của ngân hàng càng cao là cơ sở để ngân hàng tăng quy mô vốn cũng như năng lực tài chính của mình.
Theo chuẩn mực đánh giá năng lực tài chính của Moody’s thì các chỉ tiêu khả năng sinh lời được đánh giá tốt trong khung: ROA≥1%; ROE ≥12-15%.
Thực trạng ROA, ROE của các ngân hàng niêm yết
ROA bình quân của các ngân hàng cho thấy hiệu quả kinh doanh có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2011 và giảm dần cho đến năm 2014 chỉ còn 0,83%. Quy mô tài sản tăng đều qua các năm nhưng hiệu quả kinh doanh lại giảm, đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh hoạt động của các ngân hàng gặp khó khăn, tín dụng tăng trưởng yếu và lãi suất liên tục giảm. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, năm 2013, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của toàn hệ thống hiện chỉ còn 1,93%, thay vì 2,33% tại thời điểm cuối năm 2012. Năm 2014, hoạt động kinh doanh tiếp tục đi xuống, với lợi nhuận năm sau đã giảm hơn năm trước.
Theo Moody’s thì ROA ≥ 1% là đạt yêu cầu, như vậy, trong 2 năm 2013 và 2014, ROA bình quân của các ngân hàng <>
ROE bình quân của các NHTM năm 2010 và 2011 khá cao (khoảng 20%/năm), tuy nhiên, những năm sau có xu hướng giảm và đặc biệt năm 2012 giảm mạnh xuống còn khoảng 15% và tiếp tục giảm sâu cho các năm tiếp sau, đến năm 2014 chỉ còn khoảng 11%. Theo Moody’s thì chỉ tiêu ROE từ 12-15% là đạt yêu cầu, với mức chuẩn này thì các ngân hàng đang trong tình trạng sử dụng vốn chủ sở hữu chưa đạt hiệu quả. Như vậy, quy mô vốn chủ sở hữu tăng qua các năm nhưng ROE lại giảm cho thấy áp lực về việc quản lý và sử dụng vốn chủ sở hữu ngày càng khó khăn của ngành ngân hàng trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Một số nguyên nhân và kiến nghị
Trong giai đoạn 2010 đến 2014, các NHTM niêm yết trên TTCK Việt Nam nhìn chung có khả năng sinh lời thấp và ngày càng giảm, quy mô vốn đã không ngừng tăng trưởng qua các năm song vẫn còn thấp hơn so với hệ thống ngân hàng ở các nước trong khu vực. ROA và ROE nằm ở ngưỡng thấp hơn so với các nước và vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu theo thông lệ quốc tế, điều này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp nhưng tín dụng tăng trưởng khó khăn, chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, tạo áp lực lớn về sử dụng vốn đối với các ngân hàng.
Thứ hai, cơ chế, chính sách về xử lý tài sản đảm bảo, các quy định của pháp luật về đất đai, bất động sản, xây dựng… còn nhiều bất cập, dẫn đến việc xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, các NHTM phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo đúng quy định và làm ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Thứ ba, các NHTM chịu áp lực do vừa phải tự củng cố, xử lý những tồn tại theo yêu cầu tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước vừa phải bố trí nguồn lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ cho nền kinh tế.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, những yếu tố như: tiền gửi của khách hàng, đòn bẩy tài chính và dư nợ cho vay là các yếu tố quyết định lợi nhuận của ngân hàng, như vậy để tăng hiệu quả hoạt động cho các NHTM niêm yết trên TTCK cần thực hiện các biện pháp sau:
Một là, tăng cường huy động vốn bằng nhiều phương pháp. Hiện tại các ngân hàng chủ yếu huy động thông qua phương pháp truyền thống đó là gửi tiết kiệm, để huy động được nhiều hơn, các ngân hàng cần quan tâm và đầu tư về các dịch vụ hiện đại như: Huy động thông qua tài khoản thanh toán, tài khoản đầu tư hay thị trường phái sinh.
Hai là, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý. Đòn bẩy tài chính là yếu tố làm tăng ROA và ROE. Tuy nhiên, sử dụng đòn bẩy tài chính có tính hai mặt, trong trường hợp sử dụng không phù hợp sẽ làm giảm tính thanh khoản, thậm chí mất khả năng thanh toán, tăng khả năng phá sản, dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng. Chính vì vậy, tùy theo từng thời điểm kinh doanh để quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý.
Ba là, tăng cường mở rộng các dịch vụ ngân hàng, vừa góp phần gia tăng các khoản thu dịch vụ, vừa hỗ trợ tích cực cho các hoạt động kinh doanh của ngân hàng, qua đó sẽ tăng lợi nhuận.