Thị trường bảo hiểm khẳng định vai trò “bà đỡ” của nền kinh tế

N. Ánh

Đó là nhận định được ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) về thị trường bảo hiểm Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược thị trường bảo hiểm diễn ra ngày 29/3, tại Hà Nội.

Toàn cảnh buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo.

Hoàn thành các chỉ tiêu phát triển giai đoạn 2011-2015

Vai trò “bà đỡ” đối với nền kinh tế đã được khẳng định trong thời gian qua với sự phát triển vững chắc và những đóng góp mà thị trưởng bảo hiểm đã mang lại cho nền kinh tế. Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Doãn Thanh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển đặt ra tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn này. Theo đó, tổng giá trị được bảo hiểm trong giai đoạn 2011-2015 lên tới 11,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tổng giá trị được bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là 1 triệu tỷ đồng; trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe, y tế là 700.000 tỷ đồng.

Thống kê đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam ước đạt 84.375 tỷ đồng, đạt khoảng 2% GDP với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16%/năm; tổng quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ chi trả bồi thường cho khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 130.391 tỷ đồng, tăng 2,36 lần so với năm 2010; tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 157.266 tỷ đồng, tăng 1,19 lần so với năm 2010.

Ông Tuấn cũng cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm đã đóng góp hơn 4.975 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đóng góp hơn 2.572 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đóng góp hơn 2.403 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã góp phần ổn định kế hoạch huy động nguồn thu, hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Hiện nay, theo báo cáo tự đánh giá với Diễn đàn các nhà quản lý bảo hiểm Đông Nam Á (AIRM), Việt Nam cũng đã tuân thủ hoàn toàn 13/26 các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm theo thông lệ quốc tế (đạt 50%), hoàn thành chỉ tiêu nêu tại Quyết định 193/QĐ-TTg là “tuân thủ hoàn toàn 50% các nguyên tắc quản lý, giám sát bảo hiểm do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế ban hành”.

Tiếp tục phát triển toàn diện giai đoạn 2016-2020

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhấn mạnh, trên nền tảng những thành tựu đã đạt được thời gian qua, Cục Quản giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục tham mưu cấp trên, đưa ra các chính sách kịp thời nhằm phát triển toàn diện và bền vững thị trường bảo hiểm Việt Nam. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như: chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thuỷ sản, bảo hiểm hưu trí, chính sách bảo hiểm vi mô...; nghiên cứu, xây dựng các chính sách bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm năng lượng nguyên tử...

Quan trọng hơn là tiếp tục nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua việc nghiên cứu triển khai mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng các yêu cầu quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm cũng như kênh phân phối bảo hiểm. Trong đó, chú trọng mở rộng hình thức đại lý bảo hiểm trực tuyến tập trung; phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội cao và các sản phẩm bảo hiểm cho phép điều chỉnh linh hoạt phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng cá nhân.

Quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm cũng tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa cơ quan quản lý và thị trường bao gồm cả các phần mềm quản lý, giám sát nhằm rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về quản lý, giám sát; triển khai các hệ thống phân tích tự động, hỗ trợ công tác phân tích, đánh giá và cảnh báo nguy cơ sớm của doanh nghiệp.

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm cũng là nội dung quan trọng trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tiếp tục mở rộng hợp tác với các quốc gia phát triển về bảo hiểm nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát thị trường; phối hợp với các đối tác, các nhà tài trợ xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hỗ trợ đào tạo dài hạn, gắn với thực hành, thực tập. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm, các chương trình hợp tác đang thực hiện với các tổ chức và đối tác quốc tế.

Đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 61 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.