Thị trường bảo hiểm nhân thọ: Thế cuộc trong tay chiến binh FDI
Trong số 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, có 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một số doanh nghiệp đang tung ra sản phẩm mới nhằm chứng tỏ sức hấp dẫn, trong khi một số tên tuổi xuất thân từ các “già làng” được coi là không thể coi thường.
Dồn dập tung ra sản phẩm mới
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ FDI đã tung ra các sản phẩm mới mang dấu ấn của từng công ty. Hồi cuối tháng 8, Sun Life Việt Nam tung ra thị trường sản phẩm “SUN - Hưu trí thanh nhàn”. Đây được coi là sản phẩm có tính đặc thù của Sun Life, bởi đây là công ty bảo hiểm có thế mạnh trong các chương trình hưu trí tự nguyện. Tính đến ngày 31/7/2018, tổng tài sản quản lý Quỹ hưu trí Sun Life Việt Nam lên đến gần 1.300 tỷ đồng và đang phục vụ hơn 60 doanh nghiệp, với gần 30.000 người lao động.
Trong khi đó, đại gia đến từ Italia, Generali Việt Nam lại muốn chứng tỏ sức mạnh ở mảng sản phẩm đặc thù cho việc bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm mới mà công ty này tung ra trong tháng 9/2018 mới đây - bảo hiểm ung thư “VITA - Lá chắn vàng” - nhắm đến khả năng bảo vệ vượt trội, bảo hiểm trước tất cả các loại bệnh ung thư và được hoàn lại 100% phí nếu không mắc bệnh. Đây là quyền lợi độc đáo duy nhất hiện có trên thị trường.
Cũng trong tháng 9/2018, một đại gia đến từ Mỹ là BIDV MetLife cũng tung ra thị trường một sản phẩm bảo hiểm liên kết chung mới, đó là sản phẩm “Quà tặng hạnh phúc”. Sản phẩm được thiết kế nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng ở mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Bên cạnh việc bảo vệ tài chính, “Quà tặng hạnh phúc” là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết chung đầu tiên ở Việt Nam tích hợp bảo vệ trước 5 bệnh nan y phổ biến gồm: ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy gan và suy thận.
Những chiến binh vừa cũ, vừa mới
Ngoài những công ty mới tung ra sản phẩm mới, thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn còn nhiều ẩn số từ các doanh nghiệp FDI, bởi một số doanh nghiệp mang thương hiệu mới, nhưng là “hóa thân” từ cái tên đã rất am hiểu thị trường Việt Nam nhiều năm qua.
Gương mặt đáng chú ý nhất là Mirae Asset Prévoir, một chiến binh vừa mới vừa cũ của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Thương hiệu Mirae Asset Prévoir tuy mới trình làng từ giữa năm 2018, nhưng một trong hai đối tác tại liên doanh này - Prévoir là một gương mặt khá thân thuộc của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, với chiến lược bán bảo hiểm qua hệ thống bưu điện được thực hiện trong nhiều năm qua.
Ông Khamsaya Soukhavong, Tổng giám đốc Mirae Asset Prévoir cho biết, cùng với đối tác chiến lược Mirae Asset Life, Công ty sẽ tăng cường tận dụng các lợi thế cạnh tranh về công nghệ, sáng kiến, mạng lưới, chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động bancassurance của đối tác này để đạt được mục tiêu dài hạn.
Nếu Mirae Asset Prévoir được hình thành bằng một thương vụ hợp tác liên doanh, thì cái tên Aviva Việt Nam lại là cái tên vừa cũ vừa mới thông qua một thương vụ rút vốn. Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Aviva Việt Nam cũng có thể coi là một ẩn số sau khi một bên trong liên doanh là Ngân hàng VietinBank rút vốn khỏi liên doanh VietinBank Aviva cách đây 1 năm. Sau khi VietinBank rút vốn, Aviva Việt Nam thậm chí chứng tỏ những tham vọng lớn hơn khi đầu tư tăng vốn lên gấp đôi, qua đó nâng tổng vốn điều lệ lên mức 1.655 tỷ đồng.
Theo đại diện Aviva Việt Nam, chiến lược phát triển của Aviva Việt Nam trong thời gian tới là đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số cùng với việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong thời đại công nghệ mới. Phát triển công nghệ số là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Aviva Việt Nam và sẽ được triển khai xuyên suốt trong tất cả các hoạt động chủ đạo của Công ty bao gồm việc phát triển các kênh phân phối.