Thị trường chứng khoán - bước phát triển mới, nhân cơ hội cho nhà đầu tư
Năm 2017, kinh tế vĩ mô ổn định cùng với việc triển khai nhiều chính sách, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ đã hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ bền vững, là kênh huy động, phân bổ vốn cho phát triển kinh tế và là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Thị trường chứng khoán phát triển ngày càng hoàn thiện
Thị trường cổ phiếu đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 11 tháng đầu năm 2017. Tính đến ngày 24/11/2017, chỉ số VN-Index đạt 935,57 điểm, tăng 40,7% so với cuối năm 2016 - mức cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đạt 3.272 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cuối năm 2016, tương đương 72,7% GDP. Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ bình quân phiên đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 50% so với bình quân cả năm trước.
Quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) ngày càng được mở rộng. Tính đến hết tháng 11/2017 đã có 2.016 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên 2 Sở giao dịch, trong đó, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp quy mô lớn lên niêm yết trên TTCK trong năm 2017 như: Ngân hàng Thương mại Việt Nam Thịnh vượng, CTCP Hàng không Vietjet....
Bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu có những bước phát triển nhanh, mạnh. Nếu năm 2006, dư nợ thị trường trái phiếu mới đạt mức 14% GDP thì đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 40%, trong đó chủ yếu là thị trường trái phiếu chính phủ (gần 30% GDP) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (xấp xỉ 6% GDP).
Thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ đã tăng ngoạn mục từ mức hơn 324 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên mức gần 9000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng 27 lần và gấp đôi giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường cổ phiếu.
Năm 2017 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của TTCK Việt Nam với sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là một bước tiến lớn trên TTCK Việt Nam sau 17 năm ra đời và đi vào hoạt động, góp phần hoàn thiện mô hình của một TTCK hiện đại, giúp nhà đầu tư có thêm công cụ để đầu tư cũng như phòng ngừa rủi ro, tăng cường thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài…
Sau gần 4 tháng khai trương và đi vào hoạt động, TTCK phái sinh đã có sự tăng trưởng về cả khối lượng hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản. Chỉ tính riêng trong tháng 11/2017, tổng khối lượng hợp đồng giao dịch đã là 320.064 hợp đồng, tương ứng với tổng giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt gần 28.484 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt gần 14.548 hợp đồng/phiên và giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa hợp đồng đạt gần 1.300 tỷ đồng/phiên.
Trong tháng 11, khối lượng và giá trị giao dịch 1 phiên tăng lần lượt 64,26% và 70,97% so với tháng 10. Tính đến cuối tháng 11 đã có 14.034 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh được mở tại các công ty chứng khoán, tăng hơn gấp 7 lần so với ngày giao dịch đầu tiên. Với số lượng nhà đầu tư như hiện tại thì sự tăng trưởng của thị trường này sẽ còn mạnh hơn trong thời gian tới.
Trong năm 2017, hoạt động nhà đầu tư diễn ra sôi động, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng đạt hơn 1,8 triệu tài khoản, tăng 9% so với cuối năm 2016. Đặc biệt, TTCK Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì ở mức cao, tăng 47,4% so với cuối năm 2016.
Điều này cũng thể hiện sự phục hồi, tiếp tục phát triển của TTCK Việt Nam và những tín hiệu tốt tác động từ những chính sách cải cách của Chính phủ. TTCK Việt Nam ngày càng phát triển tăng quy mô, tính thanh khoản, ngày càng hoàn thiện cấu trúc, chứng tỏ là môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút nguồn vốn trong nước và nước ngoài.
Lạc quan triển vọng phát triển của TTCK Việt Nam
Trên thế giới, kinh tế các nước trên đà khởi sắc, nền kinh tế Việt Nam cũng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt mức trên 6,7% trong năm 2017 và được dự báo duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo, trong khi lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu, tỷ giá tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất vốn được duy trì ở mức hợp lý.
Quan điểm phát triển của Việt Nam đang có sự chuyển dịch, chính thức coi kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân là trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện rất cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển tiếp theo của thị trường vốn - TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính, cùng với những chính sách quản lý, điều hành của UBCKNN và nỗ lực của các thành viên thị trường, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục đà phát triển thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn sẽ cung cấp nhiều hàng hóa chất lượng cho thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2017 đã cổ phần hóa thành công 34/44 DNNN nằm trong kế hoạch. Theo kế hoạch Chính phủ đã công bố, năm 2018-2019 sẽ cổ phần hóa thêm 82 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Giấy Việt Nam, Mobifone, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Than và Khoáng sản và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện…
Một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như PV Oil, PV Power, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần tại Sabeco và Vinamilk. Như vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm DNNN sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK, qua đó góp phần tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ hai, nhiều sản phẩm mới sắp tới đưa vào thị trường sẽ làm tăng cơ hội đầu tư, tăng sức hấp dẫn. Sắp tới là chứng quyền có bảo đảm dự kiến đưa vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Trên TTCK phái sinh, ngoài hợp đồng tương lai chỉ số VN30 thì hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ dự kiến đưa vào giao dịch năm 2018. Một số sản phẩm phái sinh khác cũng được nghiên cứu để đưa vào năm 2019-2020 nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư.
Thứ ba, khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn - TTCK sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới, trong đó Bộ Tài chính sẽ hoàn thành sửa đổi Luật Chứng khoán sửa đổi trong năm 2019. Cùng với Luật Doanh nghiệp 2015 và các luật liên quan, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu, tạo khung khổ pháp lý cho các sản phẩm mới trên thị trường, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát TTCK của các cơ quan quản lý, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và minh bạch.
Khung khổ pháp lý mới, cùng với việc áp dụng hệ thống công nghệ mới đồng bộ tại 2 Sở và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam dự kiến từ năm 2019, cùng với những cải tiến gần đây như chuyển thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ từ ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước, cung cấp mã số giao dịch trực tuyến cho nhà đầu tư nước ngoài, gỡ bỏ hạn chế sở hữu của nhà đầu tư trong ngành kinh doanh phổ biến, việc tăng cường quản trị công ty theo Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 06/06/2017 của Chính phủ… sẽ tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở hơn, công khai minh bạch hơn, được quản lý chặt chẽ hơn và tạo ra cơ hội nhiều hơn và công bằng hơn cho tất cả các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Thứ tư, các giải pháp thu hút đầu tư, nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI sẽ giúp nâng cao uy tín và hình ảnh của TTCK Việt Nam nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, thu hút thêm các dòng vốn nước ngoài vào TTCK Việt Nam.
Từ những triển vọng của nền kinh tế vĩ mô, cùng với tiến trình cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp, tổng công ty lớn được Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh và các giải pháp phát triển, hỗ trợ thị trường của cơ quan quản lý, TTCK Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh, ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế là kênh huy động và phân bổ vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.