Thị trường chứng khoán Việt Nam 2018: Sau bùng nổ kỳ vọng thăng hoa
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có năm giao dịch bùng nổ trong năm 2017 cả về điểm số lẫn thanh khoản. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không ngừng được cải thiện, TTCK được dự báo sẽ thăng hoa trong năm 2018 với các kỷ lục tiếp tục bị phá vỡ.
Vốn hóa 110 tỷ USD
Chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017, VN Index đạt 984 điểm, tương đương mức tăng gần 50%. Theo thống kê, mức tăng trưởng này đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau TTCK Argentina với mức tăng trưởng 59,25% và TTCK Mông Cổ với mức tăng trưởng 110,1%.
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), nếu xét ở khung thời gian ngắn, VN Index thậm chí còn có diễn biến tích cực hơn khi liên tục giữ vị trí thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Mông Cổ, với tốc độ tăng trưởng 1 tháng tăng 13,96%, 3 tháng tăng 21,76% và 6 tháng tăng 29,46%. Tốc độ tăng trưởng của TTCK Việt Nam vượt xa tốc độ tăng trưởng của các thị trường mới nổi và phát triển, cũng như tăng trưởng gấp nhiều lần các thị trường khác trong khu vực.
So với cuối năm 2016, thanh khoản trung bình của thị trường trong năm 2017 tăng khoảng 50%, từ mức 3.000 tỷ đồng/phiên lên mức 4.500 tỷ đồng/phiên. Năm 2017 cũng được gọi là năm của các CP “bom tấn”, khi hàng loạt doanh nghiệp có quy mô vốn “khủng” đồng loạt đổ bộ lên sàn như: PLX (Petrolimex), VJC (Vietjet Air), VPB (VPBank), VRE (Vincom Retail)…
Cùng với sự góp mặt của những CP bom tấn mới, dòng tiền cũng đổ mạnh vào thị trường, giúp đẩy giá CP tăng trưởng ấn tượng. Theo thống kê, chỉ tính riêng sàn HOSE, quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam sau 1 năm đã tăng thêm hơn 1 triệu tỷ đồng, đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 110 tỷ USD.
Dòng tiền ngắn hạn hiện đang đổ mạnh vào nhóm CP tài chính với kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng của TTCK, và đây có thể sẽ là nhóm CP giữ vai trò dẫn dắt trong những phiên tới.
Bên cạnh dòng vốn nội, sự bùng nổ của VN Index trong năm 2017 có sự đóng góp không nhỏ của NĐTNN với giá trị mua ròng tăng đột biến lên mức 26.000 tỷ đồng, trong khi năm 2016 khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng. Đây là lượng giao dịch ròng trực tiếp thông qua giao dịch hàng ngày lớn nhất lịch sử, vượt xa cả thời kỳ bùng nổ 2007.
Ngoài ra, năm 2017 cũng không thể không nhắc đến hoạt động thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn với quy mô “khủng” diễn ra dồn dập trong các tháng cuối năm. Tiêu biểu nhất phải kể đến thương vụ chào bán 53,59% vốn Sabeco với giá trị 110.000 tỷ đồng (tương đương gần 5 tỷ USD). Phiên đấu giá thành công nêu trên đã chuyển đi một thông điệp NĐTNN đang rất mong chờ những phiên thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn trong 2018 như: BSR, MobiFone, PV Oil, PV Power, Vinataba.
Kênh huy động vốn hiệu quả
Phát biểu tại buổi lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết TTCK 2017 đã có 1 năm phát triển vượt bậc. TTCK phái sinh non trẻ vừa mới ra đời đã phát triển nhanh, góp phần hoàn thiện cơ cấu của TTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, có chất lượng, quy mô của thị trường CP đã đạt được trên 78% GDP của năm 2016, tương đương 70,2% GDP của năm 2017, cơ bản đã đạt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra cho năm 2020.
Đặc biệt, TTCK năm 2017 đã khẳng định tốt vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho Chính phủ, doanh nghiệp và là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng, đóng góp quan trọng vào công cuộc cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị liên quan thực hiện 5 nhiệm vụ trong năm 2018. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, với trọng tâm hoàn thiện Luật CK sửa đổi trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại TTCK theo hướng đẩy nhanh tiến trình hợp nhất 2 sở giao dịch CK.
Thứ ba, phát triển các sản phẩm mới, thị trường mới nhằm tiếp tục hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam, trong đó tập trung đưa sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm vào giao dịch trên HOSE vào cuối quý I -2018, triển khai sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tại HNX trong quý III; nghiên cứu cơ chế huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp qua sàn giao dịch CK.
Thứ tư, tổ chức tốt công tác đấu thầu và tổ chức giao dịch trái phiếu, nghiên cứu phát hành “trái phiếu xanh”.
Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Chinh phục đỉnh 1.300 điểm?
Chinh phục đỉnh 1.300 điểm?
Với những nền tảng đã đạt được trong năm 2017 và những chỉ đạo kịp thời từ cơ quan quản lý, giới phân tích đưa ra nhận định hết sức tích cực của TTCK trong năm 2018. Theo ông Nguyễn Hiếu, Tổng giám đốc CTCK Rồng Việt (VDSC), mặt bằng chung của nhiều CP được nâng lên nhưng tính chọn lọc diễn ra khá mạnh mẽ. Vì vậy, có thể nói sự phát triển của TTCK năm 2017 bền vững hơn thời điểm cách đây 10 năm. Trên cơ sở này, bối cảnh TTCK 2018 được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tích cực, ít nhất trong 6 tháng đầu năm.
Nhận định về VN Index, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn CTCK Sài Gòn (SSI), cho biết VN Index sẽ tiếp tục đạt các ngưỡng cao mới. Dự báo VN Index có thể vượt đỉnh năm 2007 (1.170 điểm) và có thể xác lập mức 1.340 điểm trong năm 2018. Tương tự, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng (MBK), cho rằng VN Index có thể đạt mức 1.200-1.300 điểm nhưng vẫn là chuyện "xanh vỏ, đỏ lòng", tăng cục bộ ở một số mã lớn trong VN30.
Nhận định của giới phân tích càng có thêm cơ sở nếu nhìn vào diễn biến của thị trường trong những phiên giao dịch đầu năm 2018. Đến phiên giao dịch sáng hôm qua (3-1), VN Index đã lần đầu tái lập thành công mốc 1.000 điểm sau 10 năm trong sự phấn khích của giới đầu tư. Việc VN Index chinh phục thành công mốc 1.000 điểm chính là tiền đề chỉ số này tiếp tục thăng hoa trong các phiên giao dịch tới để hướng tới đỉnh lịch sử 1.170 điểm. Tuy nhiên, TTCK trong năm 2018 vẫn còn những rủi ro mà NĐT cần quan tâm, đó chính là tác động tâm lý từ những vụ bắt bớ và xét xử trong năm 2018.