Thị trường chứng khoán: Giông bão rồi sẽ tan?

Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn

Các chỉ số liên tục điều chỉnh, thanh khoản sụt giảm nặng nề, tâm lý nhà đầu tư hoang mang là những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán hiện nay. Tuy nhiên, những nhận định lạc quan cho giai đoạn tới vẫn liên tiếp được đưa ra. Điều gì đã làm nên sự tự tin này?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nửa đầu đầu năm 2021, bất chấp bối cảnh dịch bệnh, tăng trưởng của chỉ số Vn-Index vẫn đứng thứ hai thế giới, xô đổ hàng loạt cột mốc lịch sử về điểm số, thanh khoản và số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, đến tháng 7, câu chuyện trên thị trường chứng khoán đã bước sang một ngã rẽ khác khi chỉ số sụt giảm hơn 10%, thanh khoản cũng “đồng thuận” đi xuống. Triển vọng của thị trường trong giai đoạn tới đang là vấn đề “nóng” của các diễn đàn.

Không cần quá lo lắng về F0

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối đầu tư chứng khoán và trái phiếu VinaCapital, thị trường chứng khoán là sự phản ánh lại kỳ vọng của nhà đầu tư về nền kinh tế nên thị trường chứng khoán nửa đầu năm đã có nhiều diễn biến tốt.

Khi đợt dịch 4 mới xảy ra, nhà đầu tư phản ứng tích cực bởi họ tin dịch bệnh lần này sẽ không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên sau nhiều tuần, nhìn thấy diễn biến dịch bệnh khó lường, còn thị trường đã lập đỉnh trên 1.400 điểm, cộng thêm kỳ vọng nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ bị điều chỉnh xuống khiến những người tham gia vào thị trường kể cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng phải giảm kỳ vọng.

Thời gian qua số lượng nhà đầu tư F0 vào thị trường rất nhiều một phần vì dịch bệnh các ngân hàng hạ lãi suất huy động xuống thấp lại không có nhiều kênh có thể để đầu tư khiến nguồn tiền nhàn rỗi đổ dồn vào kênh chứng khoán.

Thế nhưng, số lượng tài khoản chứng khoán của Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 3% dân số, trong khi Trung Quốc là 13%. Thị trường Việt Nam đang được so sánh với Đài Loan (Trung Quốc) vào cuối những năm 80 - đầu 90, lúc đó số tài khoản của Đài Loan đã là khoảng 84%. Do đó, tiềm năng của thị trường chứng khoán của Việt Nam còn rất lớn.

Hiện, các nhà đầu tư F0 cũng đã trở nên sành sỏi hơn, nhiều kiến thức hơn nhưng có một thực tế là nhiều F0, thậm chí nhà đầu tư Fn đang khiến giới phân tích khó đoán định “khẩu vị” đầu tư là ngắn hay dài hạn.

Trong khi đó, nhóm các nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tới 86-87% lượng giao dịch mỗi ngày với quy mô giao dịch mỗi ngày khoảng 1 tỷ USD, dẫn tới mức độ biến động của thị trường nhiều khả năng sẽ tăng so với trước đây.

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là thị trường trở nên rủi ro hơn. Thị trường vẫn có tiềm năng, nhất là trong dài hạn. Khi dịch bệnh qua đi, nền kinh tế hồi phục thị trường chứng khoán cũng sẽ bật lại rất nhanh.

“Có 2 lý do để nhà đầu tư nên tiếp tục giữ lại khoản đầu tư của mình”, bà Thu nhận định. Đầu tiên là đợt bùng phát dịch COVID-19 này sẽ được kiểm soát và sớm kết thúc, ngay sau đó, thị trường chứng khoán sẽ  phục hồi. Tiếp đó, những nhà đầu tư rút khỏi thị trường vào thời điểm điều chỉnh sâu thường sẽ bỏ lỡ nhịp phục hồi ngay sau đó và cũng sẽ bỏ lỡ khoản lợi nhuận đáng kể.

Dòng tiền vẫn luôn chực chờ

Cũng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, ông Lê Chí Phúc- Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) cho biết, thị trường hiện tại có những rủi ro lớn và thực sự đã bộc lộ ra sự ảnh hưởng của các yếu tố đó một cách rõ nét.

Việc thanh khoản sụt giảm trong khoảng thời gian qua đã phản ánh sự thờ ơ và tâm lý ngần ngại của nhà đầu tư khi thị trường chưa có những tín hiệu chắc chắn để thực hiện các quyết định.

Tuy nhiên, điều này sẽ không kéo dài quá lâu khi mà xu hướng đầu tư tại Việt Nam ưa chuộng mua bán qua lại và ngắn hạn. Thanh khoản sẽ sớm quay lại duy trì trên ngưỡng 20.000 tỷ, thậm chỉ mức 30.000 tỷ trong một phiên cũng không hẳn là quá cao.

“Hiện tại, định giá chứng khoán Việt không hề đắt, hứa hẹn 6 tháng cuối năm và sang cả năm 2022 sẽ là giai đoạn vô cùng hấp dẫn. Mặt bằng lợi nhuận được dự báo tăng trưởng 20% và thậm chí là hơn thế tại các doanh nghiệp niêm yết”, ông Phúc nhấn mạnh.

Nói về đà bán ròng kéo dài suốt 18 tháng qua, ông Phúc cho biết, cùng với sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19, các thị trường nhỏ và mới nổi tại Châu Á trong đó có Việt Nam cũng đều bị bán ròng rất mạnh, đặc biệt là trong nửa đầu 2021.

“Giả sử mỗi thị trường trên thế giới là một cổ phiếu thì thị trường mới nổi như Việt Nam có thể được xem là một cổ phiếu penny. Trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh gây ra, dòng tiền đầu tư sẽ có xu hướng chạy tới các cổ phiếu large-cap (vốn hoá lớn) hay bluechips nhằm trú ẩn và phòng thủ, dẫn tới tình trạng bị khối ngoại rút ròng mạnh tại các thị trường mới nổi”, ông Phúc chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện tại, khi chiến dịch tiêm vắc xin đã được đẩy nhanh tại các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, dòng vốn ngoại sẽ trở lại và tràn ra các thị trường tiệm cận như Việt Nam. Do đó, rất có thể khối ngoại sẽ quay lại mua ròng, thậm chí mua ròng mạnh tại thị trường nước ta trong giai đoạn tới.

Nhận định này của ông Phúc có vẻ như đang dần được chứng minh khi trong thời gian gần đây, khối ngoại đã trở lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ ngày 30/6. Theo đó, dòng tiền của khối ngoại đến từ các quỹ ETF trong đó có quỹ mới Fubon của Đài Loan đã thu hút được một lượng tiền đầu tư lớn và giải ngân vào thị trường từ đầu tháng 7 cho tới nay (trong tổng số hơn 540 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 7 có tới 173 triệu USD)

Ngoài ra lực mua ròng cũng tới từ các nhóm quỹ đầu tư chủ động khi thị trường đã có sự điều chỉnh lớn trong 2 tuần giữa tháng 7. Trạng thái tích cực hiện tại của khối ngoại hoàn toàn trái ngược với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021 khi khối ngoại bán ròng hơn 35.000 tỷ đồng.