Thị trường chứng khoán Việt Nam: Từ khởi đầu khiêm tốn đến hội nhập sâu rộng
Từ phiên giao dịch đầu tiên chỉ với 2 mã cổ phiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và là kênh dẫn vốn đặc biệt quan trọng của nền kinh tế.
Sau hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ là kênh huy động vốn hiệu quả mà còn phản ánh rõ nét quá trình đổi mới và hội nhập của nền tài chính quốc gia.

Xuất phát với hai mã cổ phiếu
Năm 1996 đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong quá trình hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam, với sự ra đời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (28/11/1996 ). Tuy nhiên, phải đến ngày 11/7/1998, theo Nghị định 48/1998/NĐ-CP của Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam mới chính thức được thành lập trên phương diện pháp lý. Cùng thời điểm, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh – tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) – cũng được thành lập nhằm xây dựng hạ tầng vận hành thị trường.
Dù khung pháp lý và tổ chức đã được thiết lập, song phải mất thêm hai năm chuẩn bị về hệ thống kỹ thuật, cơ chế giám sát và nguồn nhân lực, thị trường mới có thể đi vào hoạt động thực tiễn. Phiên giao dịch đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/7/2000, với hai mã cổ phiếu đầu tiên là REE (Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh) và SAM (Công ty Cổ phần SAM Holdings).
Giai đoạn đầu, thị trường hoạt động còn rất hạn chế với chỉ hai phiên giao dịch mỗi tuần, phản ánh giai đoạn thăm dò và định hình ban đầu của một thị trường tài chính non trẻ.
Với quyết tâm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và từng bước hội nhập vào hệ thống tài chính quốc tế, Chính phủ, Bộ Tài chính đã từng bước xây dựng nền tảng pháp lý cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Luật Chứng khoán đầu tiên được ban hành năm 2006, tạo hành lang pháp lý căn bản, giúp thị trường vận hành minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Kể từ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, song luôn giữ vai trò ngày càng quan trọng trong cấu trúc tài chính quốc gia. Từ năm 2017 trở đi, thị trường bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả về điểm số lẫn quy mô vốn hóa, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại giữa bối cảnh biến động toàn cầu.
Đáng chú ý, giai đoạn 2020–2021 chứng kiến một "làn sóng" nhà đầu tư cá nhân chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch COVID-19 khiến dòng tiền chuyển hướng từ các kênh truyền thống sang chứng khoán, đẩy thanh khoản vọt lên kỷ lục và giúp VN-Index nhiều lần vượt các mốc tâm lý quan trọng. Thị trường lúc này không chỉ là nơi các doanh nghiệp tìm vốn mà còn trở thành kênh đầu tư, tích lũy và chia sẻ cơ hội tăng trưởng cho đông đảo người dân.
Hòa nhập cùng sân chơi quốc tế
Trong hành trình đổi mới, hội nhập tài chính, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ dừng ở việc mở cửa cho dòng vốn ngoại mà còn thể hiện ở nỗ lực nâng cấp chất lượng thị trường. Từ năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở Giao dịch chứng khoán đã đẩy mạnh cải cách cấu trúc thị trường, tăng cường minh bạch thông tin, siết lại các hành vi thao túng giá và đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hạ tầng giao dịch.

Một trong những dấu mốc quan trọng là việc triển khai hệ thống giao dịch mới KRX, chính thức đưa vào vận hành toàn diện từ ngày 5/5/2025. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để các vấn đề về nghẽn lệnh, đồng thời mở đường cho các sản phẩm mới như giao dịch T+0, bán khống, giao dịch phái sinh trên cổ phiếu, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế.
Song song đó, nỗ lực nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vẫn là mục tiêu xuyên suốt. Các tổ chức quốc tế như MSCI hay FTSE đều ghi nhận những cải thiện tích cực từ phía Việt Nam, đặc biệt về công bố thông tin, quyền lợi nhà đầu tư và cơ chế thanh toán. Theo tổ chức FTSE, với tốc độ cải cách hiện nay, nhiều kỳ vọng Việt Nam sẽ có tên trong nhóm thị trường mới nổi trong tháng 9/2025, qua đó mở ra cơ hội đón dòng vốn tỷ đô từ các quỹ đầu tư toàn cầu.
Không chỉ cải thiện về kỹ thuật, chất lượng hàng hóa trên thị trường cũng ngày càng nâng cao. Tính đến cuối tháng 4/2025, toàn thị trường có 2.279 doanh nghiệp niêm yết (trong đó, có 40 doanh nghiệp sở hữu giá trị vốn hóa thị trường trên 01 tỷ USD ) và 267.425 chứng khoán niêm yết (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, ETF…); số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt gần 9,9 triệu tài khoản. Tổng giá trị vốn hóa đạt trên 7 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 70% GDP năm 2023. Nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực trọng điểm như Ngân hàng, Công nghệ, Bất động sản... đã trở thành trụ cột niêm yết, thu hút mạnh mẽ cả dòng vốn nội và ngoại.
Tháng 2/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đăng cai thành công Hội nghị khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị Tiểu ban khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APRC). Hội nghị không chỉ mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc quảng bá thị trường vốn đầy tiềm năng, mà còn thể hiện rõ nét vai trò, nỗ lực tích cực của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trên thị trường vốn trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng tích cực của nhà đầu tư cá nhân, cùng với sự phát triển của công nghệ tài chính (fintech), đang tạo nên một thế hệ nhà đầu tư mới – chủ động hơn, hiểu biết hơn và có khả năng thúc đẩy thị trường vận hành công bằng, minh bạch hơn.
Từ điểm xuất phát khiêm tốn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước tiến dài trên hành trình đổi mới và hội nhập. Với vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là bộ chỉ báo sức khỏe tài chính quan trọng, thị trường chứng khoán đang ngày càng thể hiện rõ vị thế của mình trong cấu trúc thị trường tài chính quốc gia, đồng hành cùng sự phát triển của nền kinh tế hiện đại.