Bất động sản công nghiệp liên tiếp có những chuyển biến tích cực
Liên tiếp có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản công nghiệp được chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng nóng trong thời gian tới.
Theo Báo cáo Tổng quan Thị trường châu Á - Thái Bình Dương quý II/2022 của Colliers , giữa những bất ổn vĩ mô toàn cầu như căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng năng lượng, rủi ro đình lạm… làn sóng đầu tư dần dịch chuyển sang các loại tài sản ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái. Trong đó, bất động sản công nghiệp là một trong hai phân khúc (bên cạnh phân khúc văn phòng) dẫn đầu về số lượng giao dịch tại các thị trường trọng điểm của châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, phần đông đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc).
Ông Vũ Minh Chí - Trưởng bộ phận Dịch vụ Khu công nghiệp Colliers Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, số lượng đặt hàng tìm kiếm địa điểm thuê trong khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài gia tăng đáng kể, đặc biệt là kể từ quý II/2022. Sau hai năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang tái khởi động và tăng tốc dự án. Thậm chí, nhiều nhân sự có vai trò quyết định (decision-makers) của doanh nghiệp đã đến Việt Nam để trực tiếp khảo sát và đẩy nhanh tiến độ dự án. Thời gian thẩm định chuyên sâu (Due Diligence) cũng được rút ngắn đáng kể, trước đây thường mất khoảng 60 ngày thì bây giờ chỉ còn 30 - 45 ngày”.
Các chuyển biến nói trên phản ánh sức nóng của bất động sản công nghiệp Việt Nam và theo dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diễn. Thực tế, tại các khu công nghiệp thuộc ba thị trường trọng điểm là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, giá thuê trung bình trong quý II/2022 đã tăng lần lượt là 26%, 10% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam hiện có 291 khu công nghiệp đang hoạt động và 106 khu công nghiệp đang hình thành. Theo Tổng quy hoạch phát triển khu công nghiệp quốc gia đến năm 2030, cả nước sẽ có thêm 267 khu công nghiệp mới, nâng tổng số khu công nghiệp vận hành lên 558 - tương ứng 205.800ha đất công nghiệp, tạo thêm 7 - 8 triệu việc làm cho lao động trực tiếp.
Cũng theo ông Vũ Minh Chí, “Dư địa lớn nhất nằm ở phía Bắc với hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư đồng bộ và kết nối tốt giữa các địa phương, nhiều chính sách thuế ưu đãi, quỹ đất còn rất nhiều và giá thuê trong mức hợp lý (bình quân từ 90 - 130 USD/m2/kỳ hạn). Tuy nhiên, một trong những điểm cần cải thiện hơn nữa là chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn lao động trong các cụm khu công nghiệp. Các khu công nghiệp ở phía Nam có lợi thế phát triển sớm từ đầu những năm 1990 và nguồn lực lao động có tay nghề cao so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng lại không còn nhiều quỹ đất công nghiệp và mặt bằng giá cao hơn, dao động trong khoảng 150 - 250 USD/m2/kỳ hạn. Tại các tỉnh miền Trung, giá thuê tại các khu công nghiệp đang ở mức 46 - 70 USD/m2/kỳ hạn (trừ Đà Nẵng, bình quân là 80 - 95 USD/m2/kỳ hạn) và lực lượng lao động đang tăng vì có nhiều công nhân quay về quê nhà làm việc”.
Từ đó, Colliers cũng đưa ra 2 gợi ý cho các nhà phát triển và chủ sở hữu bất động sản khu công nghiệp: Thứ nhất là, triển khai kế hoạch xây dựng hoặc nâng cấp các cơ sở hiện có để thu hút thêm khách thuê; thứ hai là, nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của nhà đầu tư với cơ sở vật chất xây theo yêu cầu và xây sẵn.
Xét trên bình diện khu vực, dư địa phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ lợi thế vị trí địa lý, sự ổn định về chính trị, nguồn lao động dồi dào, chi phí hợp lý, nhiều điều kiện ưu đãi trong thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển công nghiệp. Đồng thời, tiềm năng tăng giá tương lai là rất hấp dẫn, với mức tăng bình quân vào khoảng 7 - 10%/năm.
Vì vậy, ông Chí nhấn mạnh: “Nếu nói thời điểm tốt nhất để đầu tư vào bất động sản công nghiệp Việt Nam đã qua, thì thời điểm tốt tiếp theo chính là bây giờ”.