Thị trường tăng trong thận trọng


Thị trường chứng khoán trong nước phục hồi nhẹ, nhưng vẫn nằm dưới các ngưỡng kỹ thuật ngắn và trung hạn, chưa hình thành rõ xu hướng.

Thị trường ngày 20/4 diễn biến ở trạng thái thăm dò. Tốc độ giao dịch chậm cùng việc thanh khoản sụt giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng sau nhịp giảm điểm hôm qua.

Thanh khoản trên cả 3 sàn ngày hôm nay chỉ đạt 8.098 tỷ đồng,  giảm 26,5% so với phiên hôm qua, kéo theo thanh khoản tuần này đang thấp hơn 22,4% so với tuần trước và là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4.

Thị trường phục hồi nhẹ nhưng vẫn nằm dưới các ngưỡng kỹ thuật ngắn và trung hạn như MA20, MA50.
Thị trường phục hồi nhẹ nhưng vẫn nằm dưới các ngưỡng kỹ thuật ngắn và trung hạn như MA20, MA50.

Vn-Index tiếp tục có một phiên dao động với biên độ ngắn. Phiên đáo hạn phái sinh không có quá nhiều biến động và xu hướng ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng.

Vào lúc 14h, thị trường ảm đạm với thanh khoản bán chủ động kéo chỉ số về sát mức thấp nhất. Lực cầu về cuối phiên đã giúp cho VN-Index đảo chiều lấy lại được sắc xanh quay lại mốc tham chiếu.

Trước diễn biến rung lắc và chưa rõ ràng xu hướng của thị trường, khối ngoại chỉ quay lại mua ròng với thanh khoản nhỏ 57 tỷ đồng trong phiên chiều, tập trung mua SHB, HPG, STB.

Sự cân bằng được thể hiện khi chỉ số chung chỉ dao động trong biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu phân hóa vẫn tìm đến một vài nhóm ngành nhất định, trong đó nhóm chế biến thủy sản tăng tốt trên 2%, cổ phiếu bảo hiểm và sản xuất hàng gia dụng ghi nhận mức tăng trên 1%. Trong khi đó, chứng khoán và ngân hàng giảm nhẹ lần lượt là -0,46% và -0,09%.

Độ rộng thị trường nhìn chung vẫn còn khá tích cực khi số mã tăng nhiều hơn mã giảm là 30 mã (355 mã tăng/325 mã giảm).

Tổng kết cuối ngày, VN-Index tăng nhẹ thêm 0,3 điểm, tương đương với 0,03% lên 1.049,25 điểm, gần như đi ngang, nhưng cũng đủ trấn an tâm lý của nhà đầu tư sau phiên giảm 6 điểm hôm qua.

Tương tự VN-Index, HNX Index đóng cửa tại 206,61 điểm, tăng 0,76 điểm. Ngược lại, VN30 giảm 2,53 điểm về 1.053,61 điểm. Đáng chú ý, trong chỉ số nhóm vốn hóa lớn này, tuy giảm nhưng tương quan tăng – giảm giá trong nhóm là rất cân bằng, với 14 mã tăng và 13 giảm giá.

VHM (+0,6%), BID (+0,5%) và GAS (+0,4%) là 3 mã có tác động tích cực nhất trên thị trường, đóng góp khoảng 0,77 điểm. Ở chiều ngược lại, VPB (-1,8%), MSN (-0,9%) và VCB (-0,2%) tác động xấu tới thị trường khi lấy đi 0,95 điểm của chỉ số.

Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index đang đi ngang ở vùng 1.050 điểm sang phiên thứ 4 liên tiếp với thanh khoản giảm dần, khả năng chỉ số này điều chỉnh xuống phía dưới có xác suất cao hơn là phồi phục khi vẫn nằm dưới các ngưỡng cản quan trọng ở: 1.052 - 1.055 điểm hoặc 1.058 điểm.