Thiệt hại do nợ xấu nhìn từ một chi nhánh ngân hàng
Cách đưa tin của một số báo về mối quan hệ giữa nợ xấu - chi phí dự phòng - lợi nhuận dễ khiến người đọc nhầm tưởng rằng cứ mỗi khi phát sinh nợ xấu thì ngân hàng phải trích chi phí dự phòng cụ thể, hoặc chỉ cần trích chi phí dự phòng cụ thể là đã “dự phòng” hết thiệt hại. Thực ra chi phí dự phòng chỉ là phần nổi trong báo cáo tài chính của ngân hàng. Nợ xấu còn gây ra nhiều thiệt hại to lớn và dai dẳng khác mà dưới góc nhìn một chi nhánh sẽ thấy rõ ràng hơn.
Thoái thu lãi có thể làm chi nhánh lỗ chứ chưa cần trích lập dự phòng cụ thể
Đối với một khoản nợ quá hạn, việc trích chi phí dự phòng ít hay nhiều còn tùy thuộc vào nhóm nợ và giá trị tài sản đảm bảo. Cũng có khi giá trị tài sản đảm bảo quá lớn thì dù khoản nợ đã ở nhóm 3, nhóm 4 nhưng cũng chưa cần trích chi phí dự phòng. Tuy nhiên, có một khoản “chi phí” phải được ghi nhận ngay khi một khoản nợ chuyển thành nợ quá hạn - đó là lãi dự thu.
Lãi dự thu là số lãi mà ngân hàng đã ghi nhận vào thu nhập của các kỳ kế toán trước nhưng thực tế chưa thu được và theo quy định thì khi khoản nợ được xác định là quá hạn, số lãi dự thu này phải được xuất toán, tức được trừ trực tiếp vào chỉ tiêu “thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự” trên báo cáo lãi lỗ. Bút toán này được gọi nôm na là “thoái thu lãi”.
Nếu ngân hàng thực hiện phân loại nợ theo đúng quy định (nghĩa là chuyển khoản nợ sang nhóm 2 ngay khi nó quá hạn gốc hoặc lãi 10 ngày) thì số lãi phải thoái thu không lớn. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ là có rất nhiều khoản nợ mặc dù quá hạn từ lâu nhưng vẫn được phân loại ở nhóm 1 và ghi nhận lãi dự thu đều đặn hàng tháng. Hậu quả là đến lúc chuyển nhóm thành nợ quá hạn thì số lãi dự thu của khoản nợ đó đã dồn tích thành một con số rất lớn và có thể làm cho một chi nhánh lỗ ngay lập tức.
Ví dụ, chi nhánh A có dư nợ 500 tỉ đồng và biên độ lãi ròng khoảng 2,5% thì thu nhập lãi thuần từ cho vay hàng tháng khoảng 1,042 tỉ đồng (500 tỉ x 2,5% / 12). Chi nhánh này có khoản nợ X là 30 tỉ đồng (bằng 6% tổng dư nợ), lãi suất cho vay 9%/năm và đã bốn tháng không thu được lãi nhưng vẫn giữ ở nhóm 1.
Đến tháng thứ 4, khoản nợ này được chuyển thành nợ quá hạn nên phải xuất toán số lãi dự thu là 900 triệu đồng (30 tỉ x 9% x 4/12). Thu nhập lãi thuần từ cho vay tháng đó chỉ còn khoảng 142 triệu đồng, không đủ bù đắp chi phí hoạt động. Nghĩa là, chưa cần tính đến chi phí trích lập dự phòng cụ thể thì chi nhánh A đã có thể lỗ trong tháng đó.
Chi phí vốn cho nợ quá hạn - nỗi đau dai dẳng hàng tháng
Sau khi trích lập dự phòng cụ thể và thoái thu lãi xong, lợi nhuận của
Ví dụ, với một khoản nợ quá hạn Y (1 tỉ đồng), giả sử lãi suất mua vốn từ hội sở là 6,5%/năm thì chi phí vốn hàng tháng của khoản nợ Y là 5,42 triệu đồng, trong khi lãi cho vay thu của khách hàng là 7,5 triệu đồng (lãi suất cho vay 9%), nghĩa là thu nhập lãi thuần do khoản nợ Y đem lại hàng tháng là 2,08 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu khoản nợ này là nợ quá hạn thì chi nhánh A không được ghi nhận dự thu lãi, nhưng vẫn phải trả lãi mua vốn từ hội sở nên lỗ ròng hàng tháng từ khoản nợ này là 5,42 triệu đồng, tương đương một năm lỗ ròng 65 triệu đồng.
Số lỗ ròng này được gọi là chi phí vốn của nợ quá hạn và nó tồn tại dai dẳng, làm giảm hiệu quả kinh doanh hàng tháng của chi nhánh. Với biên độ lãi ròng của hoạt động cho vay là khoảng 2,5%/năm, biên độ lãi ròng của hoạt động huy động vốn khoảng 1%/năm (khá thấp do tình trạng dư thừa vốn), nếu muốn bù đắp chi phí vốn của 1 tỉ đồng nợ xấu trên thì chi nhánh phải phát triển mới 2,6 tỉ đồng dư nợ cho vay hoặc 6,5 tỉ đồng vốn huy động.
Đứng trên góc độ toàn ngân hàng thì ngoài chi phí vốn, thiệt hại do nợ quá hạn gây ra còn được xem xét ở góc độ chi phí cơ hội của vốn. Nếu không bị “giam cầm” ở nợ quá hạn, ngân hàng có thể đem nguồn vốn ấy cho khách hàng khác vay, hoặc ít nhất cũng có thể tạo ra mức lãi 5%/năm nếu mua tín phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn 13 tuần, hay khoảng 3-4%/năm nếu gửi liên ngân hàng.
Nợ xấu hạn chế phát triển kinh doanh và ảnh hưởng đến nhân sự
Có một thực tế là mặc dù đa số các ngân hàng hiện đã tách bạch giữa bộ phận bán hàng với bộ phận quản lý tín dụng và bộ phận thu hồi nợ, nhưng khi nợ xấu phát sinh thì nhân viên bán hàng vẫn phải là người đi thu nợ chính.
Điều tưởng là nghịch lý ấy lại có tính hợp lý ở chỗ vì nhân viên bán hàng là người đầu tiên đem khách hàng về nên phải có trách nhiệm với khách hàng của mình. Ngoài ra, nguồn lực của bộ phận xử lý nợ có hạn nên chỉ có thể tập trung xử lý các khoản nợ xấu lớn.
Do đó nếu chi nhánh có nợ xấu thì từ giám đốc chi nhánh đến nhân viên bán hàng phải mất không ít thời gian và công sức để trao đổi, thương lượng với khách hàng, giúp khách hàng bán tài sản đảm bảo, khởi kiện, hòa giải, thi hành án... kéo theo hậu quả là chỉ tiêu phát triển kinh doanh cũng khó mà đạt được.
Ngoài việc tốn thời gian và công sức cho công tác thu hồi nợ xấu, hoạt động cho vay của chi nhánh có thể bị hạn chế hoặc kiểm soát chặt chẽ bởi hội sở chính nếu tỷ lệ nợ xấu cao vượt mức quy định.
Không chỉ vậy, nếu một chi nhánh có nợ xấu lớn thì từ lãnh đạo đến nhân viên sẽ bị căng thẳng bởi trách nhiệm cá nhân và những khó khăn trong công tác thu hồi nợ. Ngoài ra, mức thưởng hiệu quả của chi nhánh cũng sẽ bị ảnh hưởng, khiến những bộ phận tưởng chừng chẳng liên quan đến nợ xấu như giao dịch viên, ngân quỹ phải chịu ảnh hưởng theo.
Điều này có thể khiến nhân sự của chi nhánh xáo trộn khi các nhân viên có xu hướng xin chuyển sang bộ phận khác, chi nhánh khác, ngân hàng khác để có mức thu nhập cao hơn.