Thở dài vì nợ xấu
(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước đã khiến thị trường bất ngờ khi cho biết tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã quay trở lại, vượt qua mốc 4% tính đến hết tháng 4. Điều này cho thấy quá trình giải quyết nợ xấu của Việt Nam vẫn tiếp tục đình trệ, thậm chí ngay cả khi vũ khí hạng nặng VAMC đã tham chiến từ lâu.
Việc nợ xấu tiếp tục tăng mạnh là điều khó tưởng tượng khi nền kinh tế liên tục được đánh giá là có dấu hiệu hồi phục đáng kể. Chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm có dấu hiệu cải thiện khi tổng sản phẩm quốc nội tăng 5,18% so với mức 4,9% cùng kỳ năm ngoái. Còn VAMC tính đến thời điểm này đã mua được khoảng 50.000 tỉ đồng nợ xấu.
Nhưng kết quả là nợ xấu vẫn còn đó, vẫn là khối u ác tính chưa có dấu hiệu thuyên giảm dù đã có nhiều phương thuốc chữa trị được đưa ra. Vì vậy, có lý do để lo ngại về tốc độ và hiệu quả tái cấu trúc hệ thống tài chính của Việt Nam trong thời gian qua. Nó vẫn chưa đi với tốc độ đủ nhanh, đủ mạnh để có thể thoát ra khỏi vũng lầy.
Vẫn còn đó tâm lý kỳ vọng nợ xấu tự dưng sẽ biến mất khi nền kinh tế tốt lên hay trông chờ vào quyền năng của VAMC. Đáng tiếc là sẽ khó có phép màu nào xảy ra nếu các ngân hàng vẫn thiếu tích cực trong hành động, trong khi “phép màu” VAMC đến nay cũng chỉ bán và thu hồi được khoản 996 tỉ đồng nợ xấu.
Điều đáng buồn là cơ chế bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa bàn thảo xong dù đã được đề cập từ năm ngoái. Chính sách sở hữu nhà của người nước ngoài cũng chưa được cởi trói. Có lẽ không ai sẵn lòng mang tiền đến giải cứu khi vẫn còn đó tâm lý e ngại tài sản rơi vào tay nước ngoài.
VAMC mới đây cho biết đang xem xét ký hợp đồng với một số nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 2 công ty tư vấn nước ngoài đã khảo sát thực tế để tiến hành mua nợ. Theo dự kiến, quý III này sẽ có những khoản nợ đầu tiên được bán ra.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, ở góc độ nhà đầu tư, có lẽ họ vẫn đang thăm dò. VAMC sẽ phải tiếp tục nghiên cứu những quy định pháp luật sao cho phù hợp, thỏa thuận được với các tổ chức tín dụng, với các doanh nghiệp và phải có điều kiện quy định kèm theo, đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được nợ.
Còn Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì cho rằng trong năm 2014 này, Chính phủ cần có định hướng chính sách để dành một phần nguồn lực đáng kể cho công việc tái cơ cấu, chứ không thể chỉ dành nguồn lực cho “ổn định và tăng trưởng” như mọi năm. Nếu dành ưu tiên cho tái cơ cấu (đây là việc phải làm) thì phải đặt mục tiêu tăng trưởng “đủ khiêm tốn” trong giới hạn bảo đảm việc làm nhằm giữ ổn định xã hội.
Thế nhưng, có lẽ kỳ vọng này khó có thể đạt được vì từ đây đến cuối năm, theo lời của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Chính phủ sẽ không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và “sẽ chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế xã hội”.
Chưa rõ là chính sách “chủ động ứng phó” sẽ được hiểu như thế nào. Còn vào lúc này, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ truởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đang “nài nỉ” các ngân hàng đưa vốn vào sản xuất kinh doanh thay vì tập trung đến 87-90% vào đầu tư trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc.
Trong một diễn biến khác, 6 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp phải giải thể hay tạm ngừng hoạt động lên tới 33.454 doanh nghiệp, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả những điều này có lẽ là thực trạng rõ ràng nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.