Thời điểm khó khăn của nền kinh tế
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội (GCXH) kéo dài để phòng, chống dịch bệnh. Hệ quả là GDP quý III/2021 ước giảm 6,17% so cùng kỳ năm trước. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh bước sang quý IV, kinh tế - xã hội (KT-XH) nước ta còn tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn, diễn biến khó lường.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,62% so tháng trước, nhưng tăng 1,88% so tháng 12/2020. Nguyên nhân chính dẫn đến CPI giảm trong tháng này là do giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện GCXH; học phí năm học 2021 - 2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt bốn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tháng 9, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có năm nhóm giảm giá so tháng trước gồm nhà ở và vật liệu xây dựng, giáo dục, giao thông, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, bưu chính viễn thông; sáu nhóm tăng giá gồm: đồ uống và thuốc lá, thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế.
Các nhóm hàng khác có mức giá tăng không đáng kể so tháng trước là may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. So cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9 tăng 2,06%; CPI bình quân quý III/2021 tăng 2,51%. Tính chung chín tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so tháng trước, tăng 0,74% so cùng kỳ năm trước. Bình quân chín tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,88% so cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,82%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 9 và chín tháng năm 2021 so cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết, GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Theo đó, trong quý III, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện GCXH kéo dài để phòng, chống dịch bệnh. Về sử dụng GDP trong quý, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu (XK) hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.
Khu vực nông - lâm - thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch XK một số nông sản chín tháng đạt khá so cùng kỳ năm 2020. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm…
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong chín tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm. Ở chiều sáng sủa hơn, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm…
Bà Nguyễn Thị Hương nhận định, tiền đề này là thách thức không nhỏ trong bối cảnh bước sang quý IV, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Mặc dù tiêm chủng vaccine được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ nhưng nguy cơ phục hồi của kinh tế thế giới vẫn mong manh, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hiện hữu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng ảnh hưởng an sinh xã hội.
Về vấn đề này, tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về KT-XH do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV nhận định, GDP quý III có thể thấp, thậm chí âm, là việc phải chấp nhận vì đây là thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, kinh tế đang phát triển theo mô hình chữ K nên có ngành phát triển rất tốt trong dịch bệnh như: Công nghệ thông tin, sắt thép… nhưng cũng có ngành giảm như: du lịch, lưu trú, kể cả giáo dục. Từ đầu năm tới nay, ngành dịch vụ giảm 4,7% và quý III giảm rất sâu nhưng quý IV có thể phục hồi. Với việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine và từng bước mở cửa nền kinh tế... dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ở mức 3,5 - 4% là khả thi.